Lễ hội Khô Già Già là một nghi lễ tâm linh quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì. Đây cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc vùng núi cao gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2014. Năm 2021, Lễ hội Khô Già Già sẽ diễn ra từ ngày 19/7 – 23/7/2021 (Tức ngày 10-14 tháng 6 âm lịch, theo lịch là ngày Thìn tới ngày Thân).
Cũng vì mục đích cầu cho muôn loài sinh sôi nảy nở mà lễ hội mang đậm tính phồn thực. Nơi được chọn làm lễ tế thần phải là nơi cao nhất trong làng. Hướng lán làm lễ quay về hướng Đông (hướng mặt trời mọc). Bên cạnh là chiếc cột đu được chôn xuống đất, phần hướng lên trời được vót nhọn, biểu trưng cho giống đực. Vào ngày lễ của mỗi năm, dân làng sẽ đục một thân cây lớn đặt lên trên cột đu để làm trò chơi cho nam thanh, nữ tú trong làng. Phần thân cây đặt phía trên biểu trưng cho giống cái, mỗi lần chơi sẽ có một đôi nam nữ, mỗi người sẽ ngồi một đầu chơi đu quay quanh cột đu. Các chàng trai, cô gái Hà Nhì đến Lễ hội Khô Già Già cũng để kết bạn, tìm người yêu thương, xây dựng tương lai hạnh phúc.
Lán làm lễ Khô Già Già ở Y Tý (ảnh: Hoàng Mạnh Linh)
Người Hà Nhì ở Y Tý mở hội “Khô Già Già” với mong ước về một vụ mùa bội thu và thể hiện sự tôn kính đối với thần rừng, núi, trời và thần đất. Để chuẩn bị vào hội, ngoài các khoản đóng góp cho việc tổ chức cúng tế, mỗi gia đình cử một người lên núi cắt năm bó cỏ gianh đem về lợp lại mái lán tế thần. Trâu tế thần là con vật không thể thiếu, đó là một con đực to, màu đen tuyền, không có bất cứ đốm trắng nào trên mình.
Ngày Thìn sẽ diễn ra nghi thức chọn thầy cúng. Vào ngày Tỵ, người dân Hà Nhì tổ chức mổ trâu dâng cúng các vị thần. Trâu cúng được dắt ra và buộc vào cột đu. Khi thầy cúng làm xong nghi lễ tế thần, các thanh niên khỏe mạnh lấy dây da buộc chặt bốn chân của trâu, giật nó ngã vật ra. Thầy cúng sẽ lấy một nắm cỏ gianh xoa và buộc vào mõm con vật này khỏi kêu. Người Hà Nhì quan niệm, nếu trâu mà kêu thì năm ấy sẽ mất mùa. Người được chọn chôn cột đu sẽ là người có nhiệm vụ chọc tiết trâu tế thần. Thanh niên trong làng tiến hành mổ trâu lấy thịt chia đều cho các gia đình mang về làm lễ cúng tổ tiên.
Lễ hội Khô Già Già ở Y Tý (ảnh: Hoàng Mạnh Linh)
Sang ngày Ngọ, đồng bào bắt đầu tổ chức cúng lễ và mở hội vui chơi vào chập choạng tối. Người Hà Nhì cho rằng, làm như thế thì các thần gió, đất sẽ được nghỉ ngơi yên tĩnh. Từ sáng sớm, tiếng chày giã bánh dầy của những người phụ nữ Hà Nhì đã rộn rã khắp làng bản. Một mâm cúng của các gia đình Hà Nhì thường có một bát ruợu nếp, thịt trâu, chè gừng và một cặp bánh dầy… Những gia đình mang mâm ra cúng tại lán tế thần đều là những gia đình không gặp điều xui, rủi trong năm.
Đến phần hội, thầy cúng chính là người khai mạc. Sau khi thầy đu ba vòng ở đu dây và bập bênh sau đó các thành viên khác mới được chơi. Khi những người khác tham gia vào trò chơi bập bênh, thầy cúng cầm các hạt cơm và đậu tương tung vào nơi mọi người đang vui chơi với mong muốn cầu chúc cho mùa màng tươi tốt bội thu. Phần hội không thể thiếu được các điệu múa truyền thống của người Hà Nhì. Múa gọi lúa là điệu múa cầu mùa nhằm mong hồn mẹ lúa về với bản làng để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương. Cùng với những điệu múa, trong ngày hội còn có một số trò chơi dân gian như đu dây, bập bênh, hát giao duyên, múa sư tử, thổi khèn lá, thể hiện những nét đặc sắc truyền thống trong đời sống văn hóa của người Hà Nhì.
Nếu có dịp tới Y Tý vào thời gian này, đừng bỏ lỡ Lễ hội Khô Già Già của người Hà Nhì Đen nơi đây. Bởi không chỉ độc đáo, thú vị, Lễ hội Khô Già Già còn mang trong mình nhiều ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc.
Bùi Hà