Tháng Ba – em lại đi

Tháng Ba, em lại đi. Đi tìm tháng Ba. Tháng của nắng nhạt, tháng của mưa rơi. Tháng của những người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ lại lên nương tra bắp, để đợi chờ một mùa vụ no ấm. Em đi, đi để được hít căng vào lồng ngực mình hơi thở của đất, sự dịu dàng của cây và sự miên man của đá, sự bình yên của trời.

Tháng Ba, em thích được đứng cùng anh ở trên con đường dốc đỏ – con đường nhỏ uốn lượn vòng vòng qua sườn núi mà em cũng không biết nó sẽ dẫn người ta đi về đâu. Và, khi đó, em tự hỏi: Phía bên kia núi là gì? Có tới được với núi hoa không? Hay có về được với Lao Xa, Sơn Vĩ, Thượng Phùng…? Ở bên kia núi đó, có bao nhiêu ngôi nhà và những đứa trẻ?

Mùa Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn. ảnh: Minh Ty
Mùa Xuân trên cao nguyên đá Đồng Văn. ảnh: Minh Ty (Vị Xuyên)

Và, em nhớ. Nhớ Lũng Phìn, với hương chè của người Mông có vị chan chát, ngọt ngọt không lẫn vào đâu. Nhớ thung lũng Sủng Sì, với những ngôi nhà trình tường đất, mái lợp ngói âm dương trầm mặc, yên bình. Nhớ Cao nguyên đá Đồng Văn, nhớ màu xám của bạt ngàn núi đá, tiếng chuông linh kinh của đàn dê trên núi cao, màu khăn ngũ sắc của em bé cắt cỏ bò. Và, cả tiếng hát u buồn của người đàn bà Mông đang tra ngô trên nương đá “đường làm dâu con đường như ống đũa/Đường làm dâu đường nước mắt giàn giụa/Đường làm dâu con đường như ống tre/Đường làm dâu con đường nước mắt rơi…”.

Tháng Ba, em lại đứng trước dinh thự dòng họ Vương – dinh thự cổ kính, rêu phong nằm trên mô đất cao cao mà thầy địa lý bảo đó là hình mai rùa. Cái cổng gỗ của dinh thự qua bao đời, bao người bước qua, giờ nó đã láng bóng in màu của thời gian. Những hạt nắng xuyên qua hàng cây Sa mộc hàng trăm năm tuổi. Hàng cây sừng sững như ý chí, sức mạnh vươn mình trên đá núi của những người đàn ông Mông nơi đây. Trong sự trầm mặc, có cả chút gì đó thâm u, tịch mịch. Câu chuyện của mẹ kể về thân phận những người đàn bà Mông sống trong khu dinh thự ngày xa xưa như lướt qua mắt em: Bên kia, những người đàn bà Mông đang cúi mặt thổi lửa đồ mèn mén; những người đàn bà Mông đang cúi mặt gùi nước bước trên đường. Bên này, những người đàn bà Mông đang cúi mặt nối lanh, dệt vải. Và, phía sau kia nữa, những người đàn bà Mông đang vùng vẫy tuổi xuân của mình bên máng cỏ ngựa… Tháng tháng, năm năm. Thời gian đã chảy trôi qua nhiều thế kỷ, nhưng ở đây, hình như tất cả vẫn không hề đổi thay. Phảng phất đâu đó hương thơm của gỗ, mùi nồng đượm của men rượu ngô và cả hương ngất ngây của những chảo thắng cố, chõ mèn mén ngun ngút trong những bữa tiệc rượu phía trong gian bếp, của quá khứ. Sự tĩnh lặng của quá khứ, sự ồn ào của hiện tại, khiến cho em cảm thấy mình như một lữ khách đứng giữa ngã tư đường.

Tháng Ba, hoa đào đã bớt hồng, hoa mận đã tàn phai, nhường vào đó là sắc màu rực lửa của những bông hoa gạo. Hoa gạo từ đâu mà về, hoa gạo từ đâu mà thắm, hoa gạo vì sao mà ở lại – ở lại miền biên giới Hà Giang?

Tháng Ba, em lại đi. Đi khắp dọc chiều dài biên giới, từ Thượng Phùng, lên Sơn Vĩ, qua Mậu Duệ, Ngam La, Lũng Hồ rồi xuống Vị Xuyên… ở đâu cũng bắt gặp sắc đỏ rực lửa của những bông hoa gạo. Gần như, đến với Hà Giang, đi qua 442 cột mốc biên giới đều có thấp thoáng bóng hình của loài hoa này. Loài hoa với thân cây xù xì, gai góc như bất chấp với thời gian, không gian. Bất chấp ngày nắng hay ngày mưa. Bất chấp mọc lên trên khe đá, hay dưới vực thẳm, nơi thung sâu… cây vẫn đứng thẳng đầy kiêu hãnh. Hoa gạo, loài hoa mà ngày đó khi đứng bên nhau dưới đường hào mùa Xuân nhìn lên điểm cao 772 trên đường biên giới Vị Xuyên, anh đã cười mà nói “Em như bông gạo trên cây/Anh như một đám cỏ lau bên đường”. Nhưng với em, khi đứng trước loài hoa này, trước sắc đỏ thắm, trái tim em chỉ có thể rung lên một câu thơ “Mỗi cánh hoa là một trái tim”. Em cũng không hiểu vì sao và vì sao, với em, hoa gạo chỉ có thể gắn liền với biên giới, gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tháng Ba, em lại đi. Đi trong màu hoa lửa, đi trong quá khứ đầy đau thương nhưng cũng hết sức tự hào và kiêu hãnh. Tháng Ba, em đi trong cuộc hành quân năm xưa cha, ông ta đã đi. Từ hang Làng Lò, hang Mán, hang Chui, H3 qua những điểm cao 233, 685, 772, 1509…qua đồi Cô Ích, đồi Chuối… về với cây hương tại ngã ba Thanh Thủy. Nơi đây, những cánh hoa gạo như đỏ thắm hơn, bầu trời tháng Ba hình như cũng cao hơn và xanh hơn. Nếu như không phải được nghe cha kể về nơi đây, thì có lẽ, và chắc chắn, em sẽ chẳng thể nào hình dung được những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt, những cây gạo sừng sững hiên ngang bây giờ, vào những năm tháng đó, khi quân xâm lược tràn sang quê ta, cây cỏ đã bị đạn pháo thiêu trụi. Để mãi mãi, lịch sử vẫn còn nhắc tên: Đồi Thịt Băm. Lò Vôi Thế Kỷ… Để bây giờ, bông gạo nở rực trên tóc em, trên vai em và trong tim em.

Anh nhớ nhé, nếu tháng Ba mùa này về Hà Giang, lên biên giới, nhớ đến Thanh Thủy, tới Đài hương trên điểm cao 468. Và, đừng quên thắp một nén nhang thơm, cúi xuống với cỏ cây, ngẩng đầu lên nhìn bông gạo. Trong ngàn ngàn cây gạo ở đây, anh có biết không, có những cây gạo đã đi vào lịch sử, có những cây gạo đã chứng kiến cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của cha ông ta năm xưa trên mảnh đất này. Và, trong ngàn ngàn cây gạo ở đây, anh sẽ thấy, có những cây, thân đã in dấu đạn pháo, hằn sâu những nỗi đau. Nhưng, đến mùa, hoa vẫn nở, sắc vẫn thắm, rực rỡ như các anh đang hành quân trở về với mẹ, với xóm làng thân thương.

Tháng Ba, em muốn viết cho mùa hoa lửa, muốn viết cho anh – người chiến sĩ áo xanh. Và, em viết cho mình. Để, tháng Ba luôn xinh đẹp và bình yên trong ký ức. Để, tháng Ba mùa sau… em lại đi.

                                                                                                                                                Tản văn: Vừ Mai Hương

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.