Với tiềm năng đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử và văn hóa bản địa của 19 dân tộc anh em, Ðiện Biên đang sở hữu thế mạnh về du lịch cộng đồng. Ðây cũng là một trong những loại hình du lịch thân thiện, gần gũi ngày càng thu hút du khách tìm hiểu, khám phá.
Người dân và du khách trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Chợ phiên mời gọi
Ðã thành thông lệ, tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, du khách nhiều nơi trong tỉnh và các huyện lân cận Nậm Pồ lại đổ về trung tâm xã Phìn Hồ hòa mình vào chợ đêm và chợ phiên Phìn Hồ. Ðến đây, du khách không chỉ tham gia mua bán những sản phẩm đặc trưng vùng miền với các loại nông sản, đặc sản vùng cao như rau rừng, củ, quả, mật ong, thảo quả, mắc khén; các món ẩm thực của đồng bào vùng cao (thắng cố, cơm lam, thịt sấy…) mà còn được chiêm ngưỡng, hòa mình vào những nét văn hóa, bản sắc dân tộc, những tiếng khèn Mông, điệu múa của những nghệ sĩ không chuyên làm say đắm lòng người.
Ông Lèng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ cho biết: Sau vài năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, tới nay xã đã mở lại chợ phiên, đồng thời mở thêm chợ đêm nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Ðây cũng là nơi quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người cũng như các nông sản của địa phương.
Không giống chợ ở thị trấn hay khu vực đồng bằng, chợ vùng cao họp theo phiên, có khi cả tuần, nửa tháng mới có một phiên và không phải xã nào cũng có chợ, nên các phiên chợ khi được mở ra đều rất quý. Chợ phiên Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông cũng vậy, được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/2023, mỗi lần mở, chợ phiên Keo Lôm thu hút hàng nghìn du khách mọi nơi về đây tham quan, tụ hội. Chị Nguyễn Thanh Nhàn, du khách đến từ TP. Ðiện Biên Phủ chia sẻ: Nghe bạn bè mời gọi, tôi cũng đến chợ phiên Keo Lôm. Ở đây người dân rất thân thiện, mến khách, chợ phiên đông đúc, nhộn nhịp. Hòa mình cùng dòng người, tôi ấn tượng với nét đẹp nơi đây, từ trang phục truyền thống cho đến những món ẩm thực vùng cao đã cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi sẽ còn trở lại để trải nghiệm.
Chợ phiên vùng cao từ lâu được biết đến không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Tại tỉnh Ðiện Biên, phát huy tiềm năng này, nhiều địa phương đã và đang quan tâm, tăng cường quảng bá hình ảnh của các phiên chợ nhằm tạo hướng đi mới để phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh việc quảng bá, hiện nay, một số huyện vùng cao như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông đang huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng tại chợ phiên, nâng cao giá trị thương hiệu các mặt hàng truyền thống và sản vật địa phương phục vụ du khách.
Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Ðiện Biên Ðông cho biết, việc khai trương Chợ phiên Keo Lôm chỉ là bước đầu. Về lâu dài, thông qua chợ phiên, huyện mong muốn phục dựng nét đẹp truyền thống của các dân tộc, tạo ra những sản phẩm du lịch, qua đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phát huy giá trị từ các lễ hội
Nằm ở phía Tây Bắc Tổ quốc với 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc mang đặc trưng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán cùng nhiều nét riêng thông qua các lễ hội truyền thống. Ðây cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu như Lễ hội Ðua thuyền đuôi én ở thị xã Mường Lay. Ðược phục dựng từ năm 2015, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én đã trở thành sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật trong năm và là điểm nhấn quan trọng trong hoạt động xúc tiến du lịch của thị xã Mường Lay nói riêng, tỉnh Ðiện Biên nói chung. Ông Chui Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, với nhiều hoạt động được tổ chức lồng ghép, xen kẽ như: Văn hóa, văn nghệ, trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương, thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian… sự kiện đã thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân đến xem, trải nghiệm.
Không chỉ Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, với sự quan tâm của các ngành chức năng, thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, phục dựng. Toàn tỉnh hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống; trong đó, hơn 20 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Việc tổ chức lễ hội về cơ bản không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng và tâm linh của đồng bào các dân tộc ở các vùng miền mà trên thực tế đã góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Thông qua việc tổ chức lễ hội, nhiều bộ môn thể thao, nghệ thuật được khôi phục, tác động sâu sắc đến đời sống tình cảm, con người Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Ðiện Biên nói riêng, qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.
Theo Cục Du lịch Quốc gia