Bánh dày – món bánh cổ truyền và hoạt động giã bánh dày không thể thiếu trong các dịp lễ, hội hay dịp tết đến xuân về của đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu. Theo quan niệm xưa bánh dày của người Mông không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Theo tiếng Mông bánh dày được gọi là “Pé- Plẩu”. Để có món bánh dày ngon như ý cần chuẩn bị sẵn cối giã bánh, cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh cũng được làm bằng cá loại gỗ cứng và nặng; vừng rang sẵn và mấy lòng đỏ trứng gà đã được luộc chín để xoa tay và xoa các dụng cụ để nặn bánh để không bị dính. Một yếu tố không thiếu nữa là phải chọn được gạo nếp thơm và dẻo, tiếp đó ngâm gạo trong vòng một ngày. Trong khi đồ gạo cần đun nhỏ và đều lửa thời gian đồ khoảng một tiếng, để xôi được chín kỹ cho thật mềm và dẻo. Tiếp đó cho xôi ra cối để giã, cần giã bánh ngay khi xôi còn đang nóng. Nếu để nguội mới giã thì bánh không nhuyễn, sẽ cứng, khô và khi nặn bánh thì bánh sẽ bị nứt nẻ, không ngon. Giã bánh dày là một công việc đòi hỏi nhiều sức lực, kỹ thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của đôi nam thanh niên khỏe mạnh, thông qua đó ta cũng thấy được sự găn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của cộng đồng. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch.
Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên về chia vui cùng gia đình nhân ngày lễ tết mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Bánh dày thường để được rất lâu, bánh để lâu ngày bánh vẫn dẻo thơm, khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng thật thơm và hấp dẫn. Trong mâm cơm, cùng hòa vị với những món ăn truyền thống độc đáo, bánh dày luôn là món mà ai cũng thích, cụ già, em nhỏ đều thích.
Đến Lai Châu du khách không chỉ thưởng thức những món ăn lạ cùng với những sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc đang được bà con nơi đây lưu giữ mà còn có thể mang về những món quà độc đáo như bánh dày của người Mông.
Huyền Thanh