Nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc với 30 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 57%, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện.
Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Nếu như những năm 1991 trở về trước, toàn tỉnh mới có 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia thì nay con số đó đã tăng lên gần 120 di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng các cấp (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia; 105 di tích cấp tỉnh); 714 di sản văn hóa phi vật thể (4 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Đặc biệt, tỉnh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên xây dựng, hoàn thiện và được UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng khôi phục và phát huy. Hàng năm, ngành VH-TT&DL đã tiến hành bảo tồn từ 2 – 3 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh. Triển khai công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút sự tham gia của các thế hệ và các nghệ nhân văn hóa dân gian.
Tổ chức sưu tầm, lưu giữ hơn 200 cuốn sách cổ của dân tộc Dao, Thái tại Bảo tàng tỉnh. Phục chế sách cổ của các dân tộc, số hóa 143 tài liệu với 9.695 trang, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số để lưu giữ và đưa ra phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh với 2 bộ tài liệu (tài liệu Hán Nôm và tài liệu chữ Thái cổ) tại địa chỉ website: Thuvientinhyenbai.gov.vn.
Năm 2019, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với dân tộc có nguy cơ mai một cao tại tỉnh Yên Bái cho 61 học viên là nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản trên địa bàn xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng và tổ chức các hoạt động lễ hội, du lịch như: tổ chức liên hoan, giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống của các dân tộc; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng – Trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Yên Bái; Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò; Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội về miền đất Ngọc, huyện Lục Yên; Festival tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên; Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng”… đã góp phần giữ gìn, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước khi tới Yên Bái
Những năm gần đây, việc khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng đang là một trong những hướng đi được tỉnh Yên Bái quan tâm thực hiện đã và đang mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nếu như năm 2005, tỉnh mới chỉ có 1 mô hình du lịch cộng đồng ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ thì nay, toàn tỉnh có trên 120 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng.
Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa các dân tộc để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Một số mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực như: Du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình) gắn với văn hóa truyền thống của người Dao Quần Trắng, Cao Lan; du lịch cộng đồng ở bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi) của thị xã Nghĩa Lộ, bản du lịch cộng đồng Kim Nọi (thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải) gắn với văn hóa truyền thống của người Thái…
Thông qua hoạt động du lịch, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong vào ngoài nước đến với địa phương. Thực tế cũng chứng minh khi di sản được bảo tồn và phát huy thế mạnh, trở thành nguồn tài sản lớn sẽ góp phần vô cùng quan trọng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế địa phương và tăng thêm thu nhập cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Được biết, lượng khách và tỷ trọng tăng trưởng kinh tế của ngành VH-TT&DL Yên Bái cũng tăng dần qua các năm.
Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đón trên 3 triệu lượt khách, trong đó trên 227.000 lượt khách quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%. Doanh thu từ hoạt động du lịch bình quân hằng năm tăng 19,6%, góp phần tăng thu nhập cho người dân, tăng thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đặc sắc, tỉnh Yên Bái hiện có trên 300 nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành và truyền dạy các di sản trong cộng đồng. Nhờ đó, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa được thực hiện hiệu quả.
Nhiều dự án lớn về sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa được thực hiện. Tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch của địa phương. Hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào, ý thức tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của con người Yên Bái, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đến nay, toàn tỉnh có 80% hộ gia đình văn hóa, 66,5% thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, 86,1% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (theo tiêu chí mới); gần 80 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 14 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
Để di sản ngày càng được bảo tồn, phát huy và trở thành tài sản có giá trị, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương, cùng với việc nâng cao chất lượng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch, các cấp các ngành trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa dân tộc, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Yên Bái.
Qua đó, tìm những hướng đi mới nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong xu thế phát triển mới, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Thanh Hương