Cộng đồng người Thái sinh sống tập trung nhiều nhất ở vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ, là cộng đồng dân tộc còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc sắc trong cuộc sống đời thường. Bên cạnh những lễ hội như Hạn Khuống, Lễ hội Xên mường, Lễ hội cúng Mẹ lúa…, người Thái còn có Lễ hội Xên Đông hay còn gọi là Lễ hội cúng Rừng.
Các thầy mo làm lễ cúng Xên Đông dưới gốc cây đa cổ thụ. |
Tổ tiên người Thái di cư vào vùng Mường Lò đã định cư tại vùng đất này từ hàng ngàn năm trước đây, giờ là xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ cùng một số xã lân cận và đặt tên là Mường Chà. Trải qua hàng ngàn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được quy luật, giá trị, lợi ích của rừng mang lại cho đời sống đồng bào, người Thái tôn trọng rừng và đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng, giữ rừng đầu nguồn. Người Thái từ đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau: giữ rừng cho muôn đời phát triển, cho mạch nước tuôn trào, ai nhớ được câu ấy thì mới thành người…
Nhằm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng không bị tàn phá, hàng năm cứ mỗi độ xuân về, bản mường người Thái xã Hạnh Sơn lại sửa soạn lễ vật cúng tế thần linh tại Lễ hội Xên Đông.
Đây là lễ hội truyền thống, mang nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào để tưởng nhớ tổ tiên, trời đất ban phát mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người mạnh khỏe. Chuẩn bị cho Lễ Xên Đông, người dân thường mổ trâu làm ba mâm lễ cúng tế thần linh. Lễ Xên Đông được bắt đầu bằng nghi thức cúng rừng, nghi lễ này được tổ chức dưới gốc một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi của bản mường tại khu rừng với nghi lễ chu đáo, công phu. Ba thầy mo phụ trách ba mâm cúng tế sẽ mời người đại diện cho nhân dân trong xã uống chén rượu đoàn kết.
Buổi cúng Lễ Xên Đông giống như một cuộc trao đổi, chuyện trò giữa ba thầy mo và các vị thần rừng để các vị thần chứng dám lòng thành kính của người dân, ban cho một năm mới bản làng yên vui mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, cuộc sống ấm no. Khi phần lễ cúng rừng kết thúc, tất cả mọi người cùng nhau về bản Viềng Công làm lễ cúng thành lũy Viềng Công – nơi gắn với truyền thuyết kể về người anh hùng Cầm Hánh – một người Thái trong vùng đã cùng nhân dân đánh giặc cờ vàng phương Bắc bảo vệ bản mường từ thế kỷ XIX, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cuối cùng, thầy mo và các thành phần tham dự lễ cúng sẽ làm lễ cúng tổ tiên bản mường tại gia đình của người có chức vụ to nhất trong xã để báo cáo đã hoàn tất các thủ tục nghi lễ của bản mường và xin được phù hộ cho dân bản năm mới mọi điều tốt lành, mùa màng bội thu. Phần lễ kết thúc là lúc phần hội với các trò chơi dân gian dân vũ đặc trưng cho nét đẹp văn hóa của người Thái vùng Mường Lò.
Bà Lường Thị Nẹ – Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Sơn cho biết: “Ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào, lễ hội còn là dịp để người tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, mở mang bản mường để lập làng lập ấp cho người dân ổn định cuộc sống, đồng thời là dịp để giáo dục truyền thống, đạo lý cho thế hệ trẻ về ý nghĩa lịch sử của vùng đất, về khí thế kiên cường của cha ông trong chống giặc ngoại xâm; đồng thời cũng là điều kiện để quảng bá hình ảnh xã Hạnh Sơn nói riêng và cộng đồng người Thái vùng Mường Lò nói chung đến với người dân và du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.
Lễ hội Xên Đông là một lễ nghi độc đáo, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng văn minh nông nghiệp, tuy có quy mô nhỏ, ngắn gọn nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Lễ hội là dịp gắn bó, tăng cường tình làng nghĩa xóm, đoàn kết dân tộc, ngoài việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ, Lễ Xên Đông còn có ý nghĩa tâm linh giúp nhân dân yên tâm phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Lê Thanh