Sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng mở hướng phát triển kinh tế cho người dân

Thời gian qua, khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, nhiều người dân Yên Bái đã và đang tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Thời điểm này, Làng văn hóa – du lịch cộng đồng (DLCĐ) Khim Nọi ở tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải luôn tấp nập khách, bởi mùa này cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp, các homestay đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đón khách.

Ông Lường Văn Sanh – chủ Homestay Sanh Nhơn, Trưởng ban Quản lý Homestay Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi cho biết: “Năm 2020, Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đây chính là động lực chúng tôi tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại”.

Ban đầu, Làng du lịch chỉ có16 hộ tham gia hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đến nay, đã có trên 30 hộ tham gia. Làng DLCĐ Khim Nọi cũng kết nối với hàng chục công ty lữ hành trong nước để đón khách. Ông Kim Jung Taek – du khách đến từ Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi đã có những trải nghiệm thú vị tại Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi, rất đẹp, sạch sẽ, gọn gàng, món ăn rất ngon. Nếu có điều kiện, tôi sẽ quay trở lại”.

Các homestay tại Làng DLCĐ Khim Nọi luôn cải tạo nhà ở, trồng hoa, cây xanh tại khuôn viên, tổ chức các hoạt động văn hóa như: múa xòe, múa sạp, hát giao duyên… đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao để thu hút khách. Do đó, mỗi năm, Khim Nọi đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Các dịch vụ văn hóa, du lịch, đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của huyện. Chỉ tính 9 tháng năm 2023, huyện Mù Cang Chải đã đón trên 245 nghìn lượt khách, đạt tổng doanh thu trên 245 tỷ đồng.

Ông Trịnh Thế Bình – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải, cho hay: “Để phát triển DLCĐ theo hướng bền vững, cùng với sự quan tâm, đầu tư của huyện về hạ tầng nông thôn, Phòng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn làm DLCĐ cho dân bản; giới thiệu, quảng bá về Làng văn hóa DLCĐ Khim Nọi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời triển khai hiệu quả các hoạt động kích cầu du lịch, xúc tiến, quảng bá để thu hút khách trong nước và quốc tế, phấn đấu năm 2023, toàn huyện đón khoảng 300.000 lượt du khách với tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 300 tỷ đồng”.

Du khách vui vẻ tại Homestay Sanh Nhơn, ở tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển DLCĐ, thời gian qua, gia đình ông Hoàng Ngọc Liên ở bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên đã đầu tư dựng nhà sàn theo phong cách của người Tày, cải tạo sân chơi để thu hút khách du lịch. Ông cũng phối hợp xây dựng các tour tham quan tại các di tích lịch sử trên địa bàn xã như: di tích nhà Chánh tổng Lương Ca Trần Đình Khánh, đình Làng Dọc, hang Dơi và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Qua đó, đã góp phần quảng bá du lịch địa phương và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ông Hoàng Ngọc Liên cho biết: “Homestay của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào cuối năm 2022, gia đình sẽ tiếp tục cải thiện homestay để du khách cùng sống, sinh hoạt với người dân địa phương được thoải mái nhất. Sau khi tham quan trải nghiệm các di tích lịch sử cách mạng, cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ của Việt Hồng, tối đến du khách có thể thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân bản địa như: vịt suối, cá nướng, cơm lam”.

Homestay của gia đình ông Hoàng Ngọc Liên là sản phẩm OCOP từ du lịch chủ lực của Việt Hồng. Vì vậy, xã đã gắn việc phát triển các sản phẩm du lịch với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: mật ong rừng, bưởi Diễn, rau sạch, chè Bát tiên, nước uống tinh khiết Bản Nả…

“Đưa du lịch homestay trở thành một ngành kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Việt Hồng đã và đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp quảng bá, định hướng phát triển mô hình du lịch đến từng hộ dân; đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, lễ tân, nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phát triển các sản phẩm đặc trưng. Cùng với xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng, Việt Hồng cũng thành lập và duy trì hoạt động 6 đội văn nghệ của 6 bản, trong đó, lấy đội văn nghệ bản Nả làm nòng cốt để phục vụ hoạt động du lịch” – Ông Nguyễn Đức Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hồng chia sẻ.

Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng tại hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất và các dịch vụ du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh về cảnh sắc thiên nhiên, cùng sự phong phú, đa dạng và giàu giá trị nhân văn trong phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc, các sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch đã góp phần không nhỏ thu hút đông đảo du khách đến với địa bàn, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đón trên 1.568 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, với tổng doanh thu ước đạt 1.284 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, không ít khách du lịch trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng đạt OCOP của tỉnh. Qua đó, góp đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của khu vực Tây Bắc với thương hiệu “điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Minh Huyền

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.