Với quyết tâm xây dựng thành huyện du lịch – là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”, Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025 cơ bản sẽ không còn là huyện nghèo.
Được biết đến là một huyện miền núi khó khăn của tỉnh Yên Bái, tuy nhiên với tiềm năng và rất nhiều lợi thế phát triển du lịch, Mù Cang Chải đang nhận được nhiều quan tâm và kỳ vọng phát triển, trở thành trung tâm du lịch lớn của vùng núi phía Bắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, giúp người dân thoát nghèo.
Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc phỏng vấn với bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải để tìm hiểu rõ hơn những mục tiêu và thành quả ban đầu trong phát triển du lịch ở địa phương này.
Sự kiện dù lượn lớn nhất cả nước “Bay trên mùa vàng” năm 2020 tại đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
– UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Quyết định số 935 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải. Theo quy hoạch, huyện Mù Cang Chải được định hướng là huyện du lịch tiêu biểu, phát triển bền vững của tỉnh Yên Bái. Trong bối cảnh du lịch đang hồi sinh và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, đồ án này có ý nghĩa như thế nào với Mù Cang Chải, thưa bà?
+ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải được phê duyệt theo Quyết định số 935/QĐ-UBND ngày 20/6/2022 của UBND tỉnh Yên Bái đảm bảo tính bao trùm, mang tính tích hợp, phù hợp với các định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải. Đồ án đánh giá tổng quan, các tiền đề phát triển và định hướng phát triển không gian huyện Mù Cang Chải với 3 trụ cột về phát triển bền vững; 36 phương hướng cấu trúc phát triển địa phương; 5 tiểu vùng phát triển dựa vào đặc trưng lãnh thổ; 6 dự án chiến lược tạo ra lợi thế cạnh tranh và thương hiệu quốc tế.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực du lịch, đồ án đã xác định 5 sản phẩm du lịch gồm: Du lịch nghỉ dưỡng – thiền; Du lịch văn hóa – cộng đồng; Du lịch từ trên cao; Du lịch mạo hiểm và Số hóa và quảng bá lãnh thổ.
Chúng tôi xác định đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải là cơ sở để huyện quản lý phát triển kinh tế – xã hội; lập quy hoạch đô thị, nông thôn, các dự án kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, sớm đưa huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch vào năm 2025.
– Huyện sẽ triển khai đồ án cụ thể như thế nào, thưa bà?
+ Căn cứ đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải được phê duyệt, chúng tôi xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tổ chức các hình thức công bố công khai quy hoạch xây dựng vùng huyện bao gồm: Công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của UBND huyện; In ấn, phát hành rộng rãi bản đồ quy hoạch xây dựng; trưng bày công khai, thường xuyên, liên tục các bản vẽ, mô hình tại nơi công cộng, tại cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp huyện, UBND cấp xã đối với quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng cấp huyện kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.
Thứ hai, về công tác quản lý quy hoạch, chúng tôi tập trung các nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo giai đoạn quy hoạch, sử dụng nguồn lực tiết kiệm và có hiệu quả; tổ chức triển khai lập chương trình phát triển các tiểu vùng, chương trình phát triển đô thị, nông thôn, từng bước triển khai các dự án ưu tiên đầu tư theo quy hoạch đã được duyệt làm cơ sở để quản lý đất đai và phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, xây dựng quy định về quản lý quy hoạch đô thị, nông thôn, các cơ chế chính sách và kế hoạch thực hiện đầu tư theo từng giai đoạn, tập trung huy động các nguồn lực để triển khai việc đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn và các vùng chức năng theo quy hoạch đã được phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định hiện hành.
Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện lập quy hoạch xây dựng chung xã, quy hoạch đô thị giai đoạn 2021-2035 đảm bảo đáp ứng yêu cầu của quy hoạch xây dựng vùng huyện.
Bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Yên Bái (Ảnh: Báo Yên Bái)
– Mù Cang Chải vẫn được biết đến là một địa phương có nhiều lợi thế về du lịch, thời gian qua, du lịch đã được đặt ở vị trí nào trong việc phát triển kinh tế – xã hội của huyện, thưa bà?
+ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ ngoài nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Đảng bộ huyện đặt ra quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch – là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Đồng thời xác định du lịch là một trong ba đột phá chiến lược bao gồm:
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.
Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trên cơ sở triển khai thực hiện các đột phá chiến lược, chúng tôi xác định rõ vị trí phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của huyện.
– Đâu là trọng tâm phát triển du lịch của huyện, thưa bà?
+ Trọng tâm trong phát triển du lịch của huyện tập trung 5 khâu: Kết nối; Thị trường; Sản phẩm; Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng và Nhân lực du lịch.
Về kết nối, Mù Cang Chải tăng cường kết nối về giao thông với Hà Nội, các trung tâm du lịch và đô thị như thành phố Yên Bái, Sa Pa, Mộc Châu; các trung tâm du lịch trong vùng: Tú Lệ; thị xã Nghĩa Lộ; Mộc Châu (Sơn La); Sa Pa (Lào Cai); Hồ Thác Bà; Tà Xùa (Bắc Yên).
Về thị trường du lịch, chúng tôi chia ra 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021 – 2023 sẽ tập trung vào phân khúc khách nội địa, khai thác các thị trường gần, phương tiện đi lại chủ yếu bằng đường bộ, hướng vào nguồn khách có thu nhập vừa phải, học sinh, sinh viên. Đến giai đoạn 2024 – 2025 sẽ mở rộng thị trường khách du lịch, hướng đến nhiều thị phần khách du lịch cao cấp và trung cấp.
Về sản phẩm, Mù Cang Chải sẽ phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch lễ hội; Du lịch cộng đồng; Du lịch thể thao, khám phá, mạo hiểm.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút khách du lịch như Lễ hội Mùa nước đổ, lễ hội mùa vàng, Tết độc lập, Festival Khèn Mông, lễ hội hoa Tớ dày, khám phá văn hóa Mông, chợ phiên, lễ cúng cơm mới,… cũng như khai thác, phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ và phát triển sản phẩm du lịch mới để thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho du lịch cũng sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng.
Những nương lúa trổ vàng là nét đặc trưng của Mù Cang Chải.
– Phát triển du lịch, dịch vụ theo cách nào thì mục đích vẫn phải là nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân thoát nghèo có, cuộc sống ổn định. Thời gian qua huyện đã triển khai việc này như thế nào, kết quả ra sao, thưa bà? Huyện có triển khai mô hình đặc sắc gì để gắn phát triển du lịch với thoát nghèo bền vững?
+ Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, chúng tôi đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, qua đó đã đạt được những kết quả quan trọng.
Thực tế trong 7 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 79,3 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 725,5 tỷ đồng. Số khách du lịch đến huyện đạt 114 nghìn lượt, doanh thu từ du lịch đạt 85,56 tỷ đồng.
Huyện đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo nghị quyết 10/2021/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
Để triển khai nhân rộng, chúng tôi đã chủ trương tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm du lịch để mọi người dân cùng tham gia, hưởng lợi từ du lịch bao gồm: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nâng cao chất lượng gắn với tìm hiểu văn hóa dân tộc bản sắc, hỗ trợ các gia đình làm dịch vụ du lịch nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), nâng cao chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; Phát triển sản phẩm nông nghiệp thương hiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Phát triển sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử – văn hóa, nhà trưng bày văn hóa dân tộc Mông, nơi thành lập đội du kích Khau Phạ, bãi đá cổ Lao Chải.
Triển khai thực hiện mô hình “Chợ phiên vùng cao” tại khu vực trung tâm huyện, duy trì hoạt động thường xuyên và tăng cường trong những ngày lễ hội như dịp 30/4, du lịch mùa nước đổ, Lễ hội mùa vàng, Lễ hội hoa Tớ Dầy.
Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, sản phẩm du lịch mới, cao cấp như du lịch dù lượn tại đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ vào 2 mùa (mùa nước đổ và mùa vàng); Du lịch leo núi chinh phục đỉnh Lùng Cúng xã Nậm Có, trải nghiệm săn mây đèo Khau Phạ; Chinh phục đỉnh Púng Luông xã Púng Luông, đỉnh núi tháp trời (xã La Pán Tẩn), trải nghiệm trên sống lưng Khủng Long (xã Dế Xu Phình), thám hiểm hang động xã Nậm Khắt; Chạy Marathon “MU CANG CHAI ULTRA TRAIL” năm 2022; Sản phẩm du lịch bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng khám phá Mù Cang Chải “Mu Cang Chai Helitour”.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung phát triển du lịch sự kiện, các sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với phát triển du lịch địa phương cũng như sản phẩm đồ lưu niệm.
– Bà có kỳ vọng thế nào vào tương lai phát triển của du lịch Mù Cang Chải?
+ Chúng tôi tin tưởng, đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”.
– Xin cảm ơn bà!
Nguồn : toquoc.vn