Mù Cang Chải – không chỉ là ruộng bậc thang…

Vài năm trước, Mù Cang Chải chỉ được biết đến với danh thắng ruộng bậc thang, sơn tra, mật ong và du lịch duy nhất vào mùa lúa chín thì nay, với định hướng phát triển cụ thể, huyện đã hình thành rõ nét một địa chỉ du lịch phục vụ du khách quanh năm.

Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Được thiên nhiên ưu đãi và từ những chính sách hoạch định phát triển của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cho phát triển du lịch, những năm gần đây, Mù Cang Chải đã nổi lên là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn được du khách quốc tế biết đến. Các hoạt động du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc của huyện vùng cao khó khăn này.

Phát huy nội lực

Với sự nỗ lực không ngừng, giờ đây du khách đến với Mù Cang Chải sẽ có rất nhiều trải nghiệm. Phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Mù Cang Chải đã chú trọng hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế để người dân làm du lịch, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. 

Nếu như vài năm trước, Mù Cang Chải chỉ được biết đến với danh thắng ruộng bậc thang, sơn tra, mật ong và du lịch duy nhất vào mùa lúa chín thì nay, với định hướng phát triển cụ thể, huyện đã hình thành rõ nét một địa chỉ du lịch phục vụ du khách quanh năm. Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái được triển khai rộng rãi đã phát huy nội lực, khích lệ tinh thần của người dân đầu tư cho phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình kinh doanh Homestay. 

Là một trong những hộ kinh doanh dịch vụ Homestay, gia đình chị Lò Thị Nguyệt – tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Sau những lần vay vốn, giờ đây cơ sở kinh doanh của gia đình chị Nguyệt đã khá khang trang, căn nhà sàn với chăn, ga, gối đệm được đầu tư có thể phục vụ từ 20 – 30 khách/ đêm. 

Chị Nguyệt cho biết: “Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với quy mô và lượng khách như 2 năm trước, gia đình đã có thu nhập ổn định. Tuy còn khó khăn, nhưng hiện nay gia đình đã chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ du khách khi bước vào thời kỳ bình thường mới”. 

Ngược núi lên La Pán Tẩn, giữa những thửa ruộng bậc thang là Homestay của anh Giàng A Dê. Ban đầu, vợ chồng anh Dê định xây dựng nhà sàn bao gồm phòng nghỉ, khu sinh hoạt, bếp ăn trên đỉnh đồi. Đến nay, Homestay của anh đã có 10 phòng khách với thiết kế độc đáo, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Mông. 

Cũng là một trong những người khởi đầu làm du lịch cộng đồng ở La Pán Tẩn, anh Hảng A Dò, sau khi tìm hiểu, tham quan trực tiếp một số mô hình Homestay tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh đã quyết định đầu tư, sửa chữa ngôi nhà sàn thành 10 phòng phục vụ khách du lịch.

Anh Hảng A Dò cho biết: “Đến nay, toàn xã có 3 hộ đang làm du lịch cộng đồng ổn định và 2 hộ đang trong quá trình xây dựng. Ở xã La Pán Tẩn giờ đã có nhiều dịch vụ du lịch trải nghiệm mới mẻ, Homestay độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Huyện Mù Cang Chải còn thí điểm xây dựng 3 mô hình trường học du lịch là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cao Phạ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS Chế Cu Nha, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS La Pán Tẩn để hình thành tư duy gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. Trên địa bàn huyện hiện có gần 100 nhà nghỉ, homestay và gần 80 nhà hàng, quán ăn, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phô diễn bản sắc 

Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trồng, chăm sóc các loại hoa bản địa dọc quốc lộ 32, tạo cảnh đẹp để thu hút khách vào các mùa du lịch trong năm, triển khai dự án Resort Sa Pa xã Nậm Có với diện tích 115 ha; dự án trồng cây thảo dược khu vực Tà Cú Y, xã Chế Cu Nha và xã Nậm Có diện tích 360 ha; dự án Chợ trung tâm huyện diện tích mở rộng 0,16 ha; xây dựng các đội văn nghệ, mô hình tự quản thu gom rác thải, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê nhằm góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng…, các hoạt động du lịch trên địa bàn đã được tổ chức phù hợp với điều kiện thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. 

Năm 2020, qua các hoạt động như: Lễ hội “Xuân vùng cao”, các hoạt động “Mùa nước đổ”, Tết Độc lập 2/9/2020, các hoạt động lễ hội khám phá danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2020: Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng” năm 2020, Khởi động giải Half Marathon “Khám phá Mù Cang Chải”, Khảo sát bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng (Mu Cang Chai Heli tour)… các hoạt động phụ trợ lễ hội như: Chợ phiên vùng cao, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Sắc màu Mù Cang Chải”, hoạt động văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc đã để lại ấn tượng về một Mù Cang Chải đẹp, bản sắc và mến khách trong lòng du khách thập phương. 

Du khách nước ngoài trải nghiệm không gian văn hóa của người Thái tại tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải.

Ông Trịnh Thế Bình – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải cho biết: “Khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch, thời gian qua, huyện liên tục đổi mới, xây dựng thêm sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Ngay như năm 2020 vừa qua, huyện đã khảo sát bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng. Trong 3 ngày từ ngày 25 đến ngày 27/9/2020, Công ty Trực thăng Miền Bắc đã tiến hành bay 21 chuyến bay với tổng số 210 lượt khách mời, du khách trải nghiệm. 

Qua đánh giá, sản phẩm du lịch mới – bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng được du khách đánh giá cao, có triển vọng đầu tư thực hiện vào các năm tiếp theo”. Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ như: Hội thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp; Thi vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong; Thi giã bánh dày; Lễ mừng cơm mới; Thi chọi dê… đã tạo nên nét riêng biệt, hấp dẫn đông đảo du khách tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện thúc đẩy quảng bá các sản phẩm thêu dệt thủ công của địa phương, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. 

Anh Sùng A Lử – bản Nà Háng, xã Mồ Dề phấn khởi: “Xem thi giã bánh dày vui lắm, nên trong tháng 9, tháng 10 năm 2020 vừa qua, cứ vào thứ Bảy hằng tuần mình lại xuống xem, cổ vũ mọi người thi giã bánh. Mình thấy thi giã bánh dày tạo không khí vui tươi, đồng thời quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực, để bánh dày của người Mông được nhiều du khách biết đến, tiêu thụ”. 

 Qua tổ chức lễ hội Khám phá danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang từ 15/8 – 30/10 đã có 115.800 du khách đến Mù Cang Chải tham quan, trải nghiệm.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Khai thác tốt các tiềm năng, phát huy lợi thế để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng chủ động, bền vững, huyện đã biết lựa chọn những gì phù hợp với địa phương. Sau nhiều năm, chất lượng tổ chức các sự kiện, chuỗi hoạt động có chiều sâu, trở thành hoạt động thường niên hằng năm, đa số các hoạt động tổ chức tại huyện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. 

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, biến những giá trị văn hóa các dân tộc thành tài sản, mang lại hiệu quả kinh tế, Mù Cang Chải tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời lồng ghép với các chương trình dự án khác của huyện, của tỉnh để phát huy hiệu quả đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch; tổ chức cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý Nhà nước và đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch và hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch, các hộ dân làm du lịch cộng đồng. 

Cùng với đó, duy trì, tổ chức tốt các sự kiện du lịch thường niên, Festival Dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”; Festival Dù lượn “Bay trên mùa vàng”; thi múa khèn, múa khăn trong học sinh; Festival khèn Mông…; tổ chức các hoạt động văn nghệ bản sắc, chợ phiên vùng cao vào thứ Bảy hằng tuần; chú trọng các hoạt động du lịch mới như triển khai các dự án du lịch bay ngắm cảnh bằng máy bay trực thăng, giải chạy Marathon và các sản phẩm khác độc đáo, hấp dẫn, phát huy tiềm năng, thế mạnh và bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. 

Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển nông nghiệp, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và phát triển con người, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường. Quy hoạch không gian tham quan văn hóa dân tộc Mông; quy hoạch vùng chuyên canh cây nguyên liệu: lanh, tràm, dâu tằm, mây…, khôi phục, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc trong trang phục dân tộc và các nghề thủ công truyền thống như: rèn đúc nông cụ, mây tre đan, thêu dệt thổ cẩm… nhằm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, phát triển xanh, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”. 

Nguồn : baoyenbai.com.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons