LỐI VỀ MIỀN HOA – NGHỆ THUẬT XOÈ THÁI TRONG SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC THÁI MƯỜNG LÒ, NGHĨA LỘ

“Anh vượt núi

Gặp sương mù Tây Bắc

Điệu xòe trôi

Trong sắc trắng hoa ban

Màu thổ cẩm đốt lòng anh như lửa

Siêu thực bước chân em

Huyền ảo giữa non ngàn”

xòe tuấn vũ

                                Màn đại Xòe Thái. Ảnh : Tuấn Vũ

 Những âm vang Tây Bắc chạm mở dưới bước chuyển mình của điệu xoè Thái. Giữa núi rừng Tây Bắc đại ngàn, nơi “gặp gỡ đất trời” đã tạo nên thứ rượu làm “men say lòng người”, níu chặt giấc mộng trầm mình vào những tín ngưỡng văn hoá của du khách trong và ngoài nước.

Di sản văn hóa phi vật Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lò – Nghĩa Lộ được phân bố trên cơ sở địa bàn cư trú của người Thái thị xã Nghĩa Lộ gồm: 4 phường (Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng, Trung Tâm) và10 xã (Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Phù Nham, Nghĩa Lộ).

Xòe được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn “Quam tố mương” (tức “Chuyện bản mường”) có nghĩa là “xe”, xòe cổ là “xe cáu ké” – chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào Thái. Có thể nói, xòe là biểu hiện nghệ thuật dân gian Thái đặc trưng và trở thành biểu trưng cơ bản, là thành tố quan trọng trong giá trị văn hóa đặc thù của dân tộc Thái.

Điệu xòe có tự bao giờ? Tại sao nói đến mùa xuân ở bốn mường Tây Bắc, ai ai cũng nghĩ đến vòng xòe và đống lửa trung tâm. Chắc chắn rằng xoè là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào. Nó là nhu cầu bày tỏ tình thương yêu giữa người với người để làm nên giá trị của nhân văn, của đoàn kết chống lại thú dữ thuở hồng hoang. Nhà thơ, nhạc sĩ Vương Khon, người con của đất trời Mường Thanh đã từng viết:

“Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ

Mà vẫn mê say như thuở nào

Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu

Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối

Tay trong tay đêm nay

Chân bước đi rộn ràng

Em bâng khuâng trong điệu xòe

Để lại hơi ấm bàn tay…”.

1 16

                                                      Ảnh : nguồn internet

Mường Lò được người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam coi là quê tổ, bởi thế đồng bào cũng quan niệm đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, nó gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái nơi đây. Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống ban đầu sơ khai chính là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven các sông suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù, thú dữ, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam nữ, già trẻ và nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu xòe. Như vậy có thể nói, chính từ trong  môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của tộc người Thái đã hình thành nên những điệu xòe để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất từ việc khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Thái.

Có lẽ chính vì bắt nguồn từ cuộc sống lao động, từ máu, mồ hôi của con người nên xoè Thái có thể tồn tại và phát triển cho tới tận ngày hôm nay. Sức hút của điệu xòe Thái đến từ sức mạnh của cộng đồng, của tập thể đang ngày càng đi lên, đang dần trở nên mạnh mẽ để chiếm lĩnh tự nhiên, làm chủ cuộc sống. Song, sự phát triển đi lên đó là sự đi lên mang tính bền vững được sự ủng hộ vạn lòng đồng tâm từ các cá nhân. Vì thế,  xoè Thái không chỉ là một phong tục, tập quán của địa phương, là bước đi của lịch sử phát triển mà chính bản thân nó đã mang nét đại diện cho văn hoá chung của dân tộc Việt Nam ta: sức mạnh của nội tại và sức mạnh cộng đồng.

Ngày 15/12/2021, di sản nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là một sự ghi nhận vô cùng xứng đáng về những giá trị mà xoè Thái đem lại cả về mặt vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Nhận thức rõ những giá trị mà xoè Thái đem lại đây có thể là cơ hội để quảng bá và đưa văn hoá này đến với cộng đồng du khách trong và ngoài nước vừa đa dạng loại hình văn hoá dân tộc vừa có thể kiến thiết nền kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho đồng bào nơi đây. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác bản sắc văn hoá kết hợp du lịch quảng bá luôn phải tôn trọng đảm bảo an sinh xã hội cũng như việc đảm bảo các giá trị văn hoá vẫn giữ được hồn cốt riêng, tránh việc lai căng, pha tạp nền văn hoá bản địa làm mất đi tính “thiêng” của không gian văn hoá.

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều là những cái nôi chứa đựng cả một nền văn hoá lớn. Nền văn hoá là mạch chảy ngầm tạo nên chỗ đứng cho quốc gia, mất đi văn hoá cội nguồn, tức là chúng ta đang trên bước đường “đồng hoá” bản sắc. Sự phát triển của mạng xã hội, của xu thế toàn cầu hoá luôn là con dao hai lưỡi buộc những nhà chức trách và những cá nhân phải biết “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Nghệ thuật xoè Thái nói chung và cả nền văn hoá nói riêng giống như một miền hoa – mỗi bản sắc văn hoá vùng miền tạo nên sự “hoa” cho văn hoá dân tộc. Loài hoa này đại diện cho màu cờ sắc áo, cho con người hoa đất Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường trước thăng trầm lịch sử, luôn vươn mình kiêu hùng hướng về tương lai.


Nguyễn Khánh Linh – Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons