Sự hiện diện của 12 dân tộc thiểu số cùng hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa (DSVH) của huyện Yên Bình. Nhận thức rõ về tiềm năng, thế mạnh quý giá này, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn DSVH nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, thu hút du khách để phát triển du lịch, kinh tế – xã hội địa phương.
Một tiết học tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc do các nghệ nhân giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình. |
Gìn giữ và phát huy DSVH, huyện Yên Bình đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đi đôi với nâng cao chất lượng quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về lĩnh vực này. Huyện luôn quan tâm thực hiện công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các DSVH vật thể trên địa bàn. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, phục hồi, tôn tạo gắn với phát triển du lịch đã góp phần bảo tồn DSVH và giáo dục truyền thống, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người Yên Bình hiện đại, giàu bản sắc.
Đồng chí Vũ Tuấn Mạnh – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Phòng phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch tỉnh khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích đình Khuôn La ở xã Tân Hương, đình Đá Trắng ở xã Vũ Linh; phối hợp khảo sát, hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đền Lương Nham, đình Làng Cọ ở xã Phú Thịnh. Phòng cũng tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa; ban hành các văn bản về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã xếp hạng và chỉ đạo đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng di tích đối với các di tích dự kiến xếp hạng năm 2025”.
Thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể, huyện còn tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai công tác quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa tại các xã Hán Đà, Đại Minh, Phú Thịnh; thẩm định dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích 2 xã Đại Minh, Phú Thịnh.
Đặc biệt, Yên Bình đã thành lập Tổ sưu tầm hiện vật nhằm sưu tầm các hiện vật đặc trưng, có ý nghĩa gắn với lịch sử hình thành, phát triển của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để trưng bày tại Phòng Truyền thống của huyện. Biến DSVH phi vật thể thành tài sản, Yên Bình đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, lễ hội của đồng bào các dân tộc, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục DSVH trong và ngoài nhà trường bằng cách đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô.
Em Tạ Nguyễn Chi, học sinh lớp 6, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện bày tỏ: “Được học các làn điệu dân ca truyền thống, em thấy rất vui và thêm yêu, tự hào về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Dao. Chúng em hứa sẽ cùng nhau tiếp tục gìn giữ truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình!”.
Chính quyền, các cơ quan, đơn vị và người dân phối hợp chặt chẽ, nỗ lực thực hiện, tham gia tích cực đã giúp Yên Bình quản lý, tu bổ, giữ gìn, phát huy hiệu quả giá trị DSVH, khẳng định vị thế trong bức tranh văn hóa đa dạng của Yên Bái, của đất nước. Hướng đi đúng, tầm nhìn xa, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy mạnh mẽ hơn nữa những giá trị DSVH vô cùng quý báu trong tương lai.
Trong 9 tháng của năm 2024, huyện đã triển khai tổ chức bảo tồn Lễ hội đình Ba Chãng, xã Phúc An; lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể “Nghệ thuật trình diễn Khắp, Cọi” của người Tày đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực DSVH phi vật thể tỉnh Yên Bái lần thứ III; khai giảng 3 lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết và nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Tày, Dao, Cao Lan tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện… |
Huyền Lê