Sáng ngày 25/6/2019 tại Chùa Ngọc Am đã diễn ra Hội thảo khoa học “Những dấu tích Phật giáo thời Trần-Lê ở Yên Bái”. Hội thảo được chủ trì phối hợp của Hội Khoa học Lịch sử, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Bảo tàng tỉnh Yên Bái; Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch.
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái đã phát hiện được nhiều dấu tích về kiến trúc Phật giáo thời Trần-Lê ở Yên Bái, trong đó có những di tích lớn , có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn.
Cũng trong nhiều năm trở lại đây, nhờ có chủ trương và chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước vè tôn giáo,tín ngưỡng, Phật giáo ở Yên Bái đã có sự phát triển khá mạnh cả về cơ sở thờ tự lẫn tín đồ. Ngoài ý nghĩa tâm linh, nhiều ngôi chùa đã trở thành những danh thắng nổi tiếng để du khách đến chiêm ngưỡng.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung làm rõ về Phật giáo và những tín đồ Phật giáo hiện nay ở Yên Bái; Những dấu tích Phật giáo thời Trần- Lê ở Yên Bái; Một số nội dung của Phật giáo trong thời đại mới; Công tác quản lý các di tích Phật giáo thời Trần-Lê ở Yên Bái hay về một số di tích nổi bật như Chùa Hắc Y- Thượng Miện; Chùa Hang Úc (huyện Lục Yên).v.v Nhiều vẫn đề đã được quan tâm thảo luận như vấn đề khoanh vùng bảo vệ di tích; vấn đề phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch.
Tính đến hết tháng 5 năm 2019, toàn tỉnh Yên Bái đã có 105 di tích được xếp hạng (trong đó 92 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 13 di tích xếp hạng cấp quốc gia). Trong số này, có 23 di tích là thiết chế Phật giáo hoặc có yếu tố kết hợp Đền và chùa (01 di tích cấp quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh), được trải đều trên địa bàn các huyện thị thành phố của Yên Bái (9 di tích thuộc thành phố Yên Bái; 4 di tích thuộc huyện Trấn Yên; 7 di tích thuộc huyện Yên Bình; 01 di tích thuộc huyện Văn Chấn; 02 di tích thuộc huyện Lục Yên), theo đó có trên 50 % ngôi chùa mang những dấu tích từ thời Trần-Lê, có thể kể đến như chùa Bách Lẫm, chùa Long Khánh (thành phố Yên Bái); Chùa Văn Lãng, chùa Đồng Do huyện Yên Bình hay Chùa Hắc Y (Thượng Miện) huyện Lục Yên; Chùa Chấn Thịnh (huyện Văn Chấn); Chùa Minh Phú (xã Vân Hội, huyện Trấn Yên)v.v;
Tại hội thảo cũng diễn ra nội dung tham quan trưng bày tài liệu hiện vật “Những dấu tính Phật giáo thời Trần- Lê ở Yên Bái” do Bảo tàng tỉnh thực hiện.
Di sản văn hóa Phật giáo có vị trí quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đối với tỉnh Yên Bái, di sản này là minh chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Phật giáo tại vùng biên viễn, càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các dấu tích này tại các di tích Phật giáo thời Trần- Lê. Giữ gìn, bảo tồn và quản lý tốt có hiệu quả các di tích này tại Yên Bái là góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./
Bài: Vân Mai
Ảnh: Thành Trung
Một số hình ảnh tại Hội thảo: