Yên Bái – Cứ mỗi độ tháng 12 hằng năm, những bông hoa Tớ Dày lại bung nở khoe sắc trên vùng non cao Mù Cang Chải.
Tớ Dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc ở trên những sườn đồi, triền núi, hay những thung sâu – những nơi có địa thế cao hằng trăm mét so với mực nước biển, trong năm khí hậu khắc nghiệt, nền nhiệt biến đổi và có sự chênh lệch rõ ràng.
Hoa Tớ Dày thường nở vào dịp Tết của cộng đồng dân tộc Mông, trước Tết của người Kinh độ vài tháng trở lại. Hoa nở rộ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng chừng vài tuần.
Khi hoa Tớ Dày đua nở, cũng là thời điểm trai gái người Mông trên những rẻo cao đầy nắng, gió và sương giăng gọi nhau đi trẩy hội, du xuân.
Cây hoa Tớ Dày thường mọc ở những vùng núi cao. Điều thú vị là mọc trên vùng đất hội đủ các điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cây mới cho nhiều nụ, nở nhiều hoa và mang sắc thắm đặc trưng.
Hoa Tớ Dày không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc mà còn ẩn chứa một nét đẹp dung dị, thuần khiết và thanh tao.
So với hoa đào ta, hoa Tớ Dày có màu sắc thắm hơn, lại được điểm xuyến bằng nhụy đỏ dài.
Theo các cụ già làng, trưởng bản người Mông, không biết loài cây này có từ bao giờ, gốc gác của nó xuất phát từ đâu, là loài cây bản địa hay ngoại lai, chỉ biết thế hệ này qua thế hệ khác, người Mông khi sinh ra và lớn lên đã thấy sắc đỏ, hồng phai của nó hiện hữu trên con đường đi lên nương, lên rừng lấy mật ong, hái củi vào mỗi độ giáp Tết.
Hoa Tớ Dày đã mang đến một tín hiệu vui, một thông điệp cho cộng đồng người Mông ở những vùng cao, miền sơn cước rằng một mùa xuân mới đang về, mùa của những tiếng hát giao duyên, lứa đôi tìm đến nhau
Người Mông ở Tây Bắc rất ưa thích hoa Tớ Dày bởi hoa Tớ Dày còn là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc, ít nhiều mang tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc người Mông. “Pẳng Tớ Dày”, tên của loài hoa này cũng do người Mông đặt ra.
TUẤN VŨ