Chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang khắc trên đá ở Mù Cang Chải
Những bãi đá cổ có hình vẽ về ruộng bậc thang ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải cuốn hút hàng trăm nghìn lượt người đến khám phá.
Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải năm 2007 đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia, đầu năm 2022 danh thắng này vừa đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là một di sản văn hóa do những “nghệ sĩ chân đất” là người dân nơi đây qua rất nhiều thế hệ tạo nên, đã làm mê mẩn bao nhiêu du khách trong và ngoài nước khi đặt chân tới đây vào mùa nước đổ hay mùa lúa chín.
Mới đây, qua thông tin từ đồng bào dân tộc nơi đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng chục khối đá khổng lồ nằm rải rác tại các xã trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, nhưng tập trung nhiều nhất lại xã Lao Chải. Điều đặc biệt ở những phiến đá này là những hoạ tiết có niên đại hàng trăm năm tuổi như “bản thiết kế” về các thửa ruộng bậc thang hùng vĩ này.
Trao đổi với PV, ông Lý Kim Thoa – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: “Năm 2015, một đoàn cán bộ văn hóa, khảo cổ của tỉnh Yên Bái đã lặn lội vào đây theo lời mách của người Mông ở xã Lao Chải. Qua khảo sát, bãi đá nằm rải rác ở 3 thôn: Tàng Ghênh, Hú Trù Lình và Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất là ở bản Tàng Ghênh hơn 10 tảng với nhiều hình thù khác nhau bình quân mỗi tảng trên 3 mét khối đá”.
Bãi khắc đá cổ Lao Chải gồm nhiều khối sa thạch, tiếng Mông gọi là “bao zê mùa cang là” nằm rải rác ở trên các núi sâu. Đến năm 2020, đoàn nghiên cứu tiếp tục đến tìm hiểu nơi đây và đã phát hiện thêm hàng chục khối đá nữa.
Để đến được bãi đá cổ tại xã Lao Chải cần đi từ huyện lỵ vào trụ sở xã Lao Chải hơn 10km, theo đường 32. Sau đó từ trung tâm xã vào bãi đá nếu đi xe phải mất hơn 1 giờ bằng đường bê tông rồi đi bộ chừng nửa tiếng.
Những khối đá được người xưa chọn để khắc thường là những khối đá to, các mặt xung quanh khá phẳng nhẵn, nằm ở vị trí thoáng, có tầm nhìn bao quát rộng.
Quan sát các hình khắc trên đá cho thấy, người xưa đã khắc lên đá rất tỉ mỉ, kì công, bởi những nét khắc uốn lượn mềm mại theo hình dạng lồi lõm của khối đá. Hình khắc trên đá khá đa dạng như: hình ruộng bậc thang ôm quanh tảng đá, hoặc những đường khắc vạch thẳng song song hay uốn lượn bên sườn các tảng đá.
Cũng có nhiều hình khắc trên các khối đá được thể hiện một cách công phu, bố cục đẹp mắt về quá trình sinh sống, sản xuất hàng ngày.
Những hình ảnh về nông cụ sản xuất như lưỡi rìu, lưỡi thanh đao, lưỡi gươm, dao nhọn, mỏ chim, khe suối, thế núi cũng được khắc hoạ rõ nét.
ông Lý Kim Thoa – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho hay, cho đến nay, vẫn chưa đủ tài liệu để nói rằng, trước đó đã có cư dân dân tộc Mông sinh sống ở trên vùng núi cao này hay chưa. Nhưng có thể tạm khẳng định, những hình vẽ ruộng bậc thang các khối đá khắc cổ này chỉ có tuổi đời cách đây chỉ khoảng 300 đến 450 năm
Thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra ra tất cả các bản là Lao Chải, Dào Xa, Cáng Dông, Cồ Dề Sáng A, Cồ Dề Sán B, Đề Súa, Dào Cu Nha, Trống Khua và Háng Gàng thuộc xã Lao Chải và các xã khác trên địa bàn huyện.
Nguồn : laodong.vn