Dân tộc Thái là một trong số những dân tộc có chữ viết trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam. Cho tới nay, dân tộc Thái có tới 6 bộ chữ, ở mỗi vùng, miền khác nhau, phổ biến nhất là bộ chữ của người Thái đen bao gồm các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên với một kho di sản đồ sộ là hơn 3.000 bản sách cổ đang được lưu trữ ở bảo tàng tỉnh Sơn La và rất nhiều bản sách khác đang được lưu trữ trong cộng đồng.
Ông Lò Tuyên Dung tham gia dạy chữ Thái ở một lớp dạy chữ Thái được mở ở vùng Mường Lò. |
Kể từ những năm 1960 của thế kỷ trước, một phần do ảnh hưởng của chiến tranh, sau bốn thập kỷ không được truyền dạy, chữ Thái có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Những người biết chữ Thái ở vùng Tây Bắc tính đến thời điểm năm 2000 còn rất ít, chủ yếu là các cụ già cao tuổi. Vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ cũng không ngoại lệ.
Đứng trước thực trạng chữ viết của các dân tộc thiểu số ở nước ta sắp bị mai một, thất truyền, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, quyết sách đúng đắn và kịp thời. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã đề ra: Dân tộc nào có chữ viết phải được học chữ dân tộc của mình. Từ đó, chữ viết của các dân tộc thiểu số đã được giảng dạy trong cộng đồng và dần dần được giảng dạy trong nhà trường hệ giáo dục phổ thông.
Để hiện thực hóa Nghị quyết của Trung ương đi vào thực tế và gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa dân tộc theo tinh thần Quyết định số 1270 QĐ-TTg, ngày 27/7/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, cách đây 10 năm, HĐND tỉnh Yên Bái đã có Nghị quyết số 10/2013 NQ-HĐND, ngày 19/7/2013 về xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa – du lịch, trong đó quy định cụ thể về chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống như múa xòe, nhạc cụ dân tộc và tiếng nói, chữ viết…
Nghị quyết có điều khoản cụ thể là mỗi lớp chữ Thái sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí Nhà nước. Gần đây nhất, để cụ thể hóa việc đưa chữ viết các dân tộc thiểu số vào giảng dạy cho con em là người dân tộc thiểu số ở hệ giáo dục phổ thông, ngày 16/12/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 4335 phê duyệt sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có bộ sách giáo khoa chữ dân tộc Thái.
Trước những chủ trương và quyết sách đó, ông Lò Tuyên Dung – người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), cũng là người nhiều năm qua say mê với việc nghiên cứu, truyền dạy chữ Thái ở vùng Mường Lò bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng những chủ trương đúng đắn cùng những quyết sách kịp thời của Đảng và Nhà nước ta vừa qua sẽ là làn gió mới, là nguồn sinh lực và nguồn năng lượng để thúc đẩy việc dạy và học chữ dân tộc thiểu số nói chung và chữ viết dân tộc Thái nói riêng ở vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ sẽ ngày càng khởi sắc hơn”.
Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng: “Để những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tế, phải cần đến sự chung tay của mọi người, của các cấp, các ngành và rất cần đến sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Chúng ta cần và nên xác định việc bảo tồn văn hóa chữ viết dân tộc Thái là việc làm cấp thiết, bởi sau 10 – 15 năm nữa sẽ là quá muộn, vì những người biết viết chữ Thái hiện còn rất ít trong cộng đồng”.
Ở địa bàn Mường Lò – Nghĩa Lộ trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, từ năm 2005 đến nay, vùng Mường Lò đã mở được 7 lớp dạy học chữ Thái. Cùng với Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, ông Lò Tuyên Dung chính là người tham gia giảng dạy trực tiếp tại các lớp dạy chữ Thái này.
Ông Dung cho rằng: “Kể từ khi có phong trào học chữ Thái – từ năm 2005, đến nay đã gần 20 năm thị xã Nghĩa Lộ và cả tỉnh Yên Bái mới mở được 7 lớp chữ Thái – quá ít so với nhu cầu thực tiễn. Và kể từ khi có quyết định của HĐND tỉnh về hỗ trợ nguồn ngân sách cho việc dạy chữ Thái cũng chưa có địa phương nào mở được lớp bằng nguồn vốn này”.
Theo ông Dung, hiện tại có rất nhiều người trong cộng đồng muốn học chữ Thái nhưng không biết học ở đâu và ai sẽ giảng dạy. Trên mạng xã hội cũng có những chương trình dạy chữ Thái Online nhưng không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận những chương trình này.
Để gắn kết phát triển kinh tế, du lịch với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và huy động mọi nguồn lực để bảo tồn văn hóa dân tộc theo tinh thần Quyết định số 1270, ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 10/2013/NQ-HĐND, ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh Yên Bái về xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa và phát triển du lịch và để gìn giữ, bảo tồn được chữ viết của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái nói chung, ông Dung cho rằng, các cấp, các ngành cần thực hiện thêm nhiều giải pháp.
Ông Lò Tuyên Dung bày tỏ: “Để đưa được chữ Thái vào dạy ở các trường phổ thông nên có những lớp bồi dưỡng chữ Thái cho các giáo viên đang dạy ở các trường có đồng bào dân tộc Thái thì mới có nguồn giáo viên dạy chữ Thái. Ngoài chương trình ở các trường phổ thông mỗi năm nên có từ 2 lớp chữ Thái trong cộng đồng. Đồng thời, nên nghiên cứu và có sự điều chỉnh về những quy định không phù hợp trong việc dạy và học chữ Thái như giảng viên dạy ở các lớp trong cộng đồng không nên quy định phải có chứng chỉ bằng cấp qua đào tạo sư phạm mà nên dạy như mô hình xóa mù “bình dân học vụ”, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Cũng nên có chế độ khuyến khích các học viên học chữ Thái. Trong các lễ hội nên lồng ghép chương trình thi viết chữ Thái để khích lệ lớp trẻ yêu chữ viết và văn hóa của dân tộc mình”.
Thu Hạnh