Tục thờ cúng thần rừng của người Dao đỏ Bát Xát, Lào Cai là một nghi lễ truyền thống đã có từ thời xa xưa tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng, bản. Đó cũng là một phong tục đẹp cần được lưu truyền và gìn giữ, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng.
Mỗi dân tộc Lào Cai lại có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt. Nhưng đều có một ước nguyện tốt đẹp đó là cầu may, cầu bình an, hạnh phục cho gia đình và cho cả cộng đồng dân tộc mình. Hàng năm cứ vào đúng ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch người Dao đỏ Bát Xát Lào Cai lại tổ chức lễ cúng rừng, theo tiếng địa phương lễ cúng rừng gọi là lễ Khoi Kim. Đây là một nghi lễ truyền thống cũng là một hoạt động văn hóa tiêu biểu có sự tham gia của những người dân trong thôn,bản.
Cúng rừng của người Dao ở Bát Xát (ảnh: Dương Quốc Toản)
Lễ cúng rừng của đồng bào người Dao là một nghi lễ văn hoá truyền thống, gửi gắm mong ước của người dân tới Thần Rừng. Người ta mong cả thôn bản có một năm bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh, cây cối tốt tươi. Để tiến hành lễ cúng rừng được thuận lợi, trưởng bản sẽ phân công đến từng hộ gia đình và các lễ vật sẽ do người dân trong bản tự chuẩn bị, đóng góp.Thầy cúng là một nhân vật quan trọng trong các nghi lễ của người Dao ở Lào Cai (ảnh: Dương Quốc Toản)
Từ sáng sớm mỗi hộ gia đình sẽ đại diện một người mang những lễ vật lợn, gà, gạo nếp, bánh trái, hoa quả, hương, tiền vàng và các vật dụng khác đến khu rừng cấm. Họ cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ khu vực quanh ban thờ thần rừng và chuẩn bị các đồ lễ dâng cúng. Khác với một số dân tộc Giáy, Tày thì người Dao sẽ có tới bốn thầy cúng tham gia trong đó có một người là chủ lễ. Người được chọn làm chủ lễ phải là người thầy am hiểu các tục lệ có uy tín với thôn bản nhất. Trước khi tiến hành lễ cúng chủ lễ sẽ tiến hành lễ dâng hương rồi mới dâng lễ vật, sau đó các thầy mới cùng nhau đọc các bài cúng để mời thần rừng về dự và chứng giám cho lòng thành của con dân trong thôn, bản. Khi lễ cúng kết thúc, lễ vật sẽ được hạ xuống chia phần cho những người tham dự và liên hoan thụ hưởng lộc ngay tại đó. Trong bữa tiệc liên hoan những người tham gia lễ cúng sẽ cùng nhau trò chuyện, trao đổi và đưa ra các quy định liên quan đến việc thôn, bản và quy định trong công tác trồng và bảo vệ rừng nhất là những khu rừng cấm, rừng già.
Lễ cúng rừng cũng là một những nét đẹp trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường rừng. Chính phong tục này cùng với sự quản lý của các cấp ngành địa phương và sự đồng hành của cộng đồng dân bản, từ đó khuyến khích người dân bảo vệ rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên.
Hoàng Thị Kim Anh