Xây dựng văn hóa, con người Hà Giang hài hòa, bản sắc

Trong thời gian tới, tỉnh ta xác định xây dựng con người Hà Giang gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại; chăm lo xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn.

Đầu tháng 9 vừa qua, đồng bào các dân tộc tỉnh ta rất vinh dự, tự hào khi được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA) trao giải thưởng: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023. Đây là hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của WTA, tập trung đánh giá các tiêu chí liên quan như cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa, giá trị di sản, an ninh, an toàn, hình ảnh con người văn minh, thân thiện, giới thiệu và khám phá, trải nghiệm về điểm đến mới tại khu vực châu Á. Với việc được vinh danh giải thưởng “Oscar của ngành du lịch thế giới”, hình ảnh Hà Giang đã được nâng tầm, khẳng định vị trí quan trọng, vững chắc trên bản đồ du lịch khu vực.

xay dung van hoa con nguoi ha giang hai hoa ban sac 17594
Thôn Xà Phìn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao, nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù kết hợp độ ẩm cao đặc trưng tạo nên những lớp rêu xanh trên những mái nhà sàn lợp lá cọ
Thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao, nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù kết hợp độ ẩm cao đặc trưng tạo nên những lớp rêu xanh trên những mái nhà sàn lợp lá cọ. Ảnh: Xuân Phúc

Mảnh đất Hà Giang được nhiều người biết đến bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, với những cung đường, bản làng, rừng đá xám… tuyệt đẹp; những di tích, di chỉ khảo cổ có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của vỏ trái đất và sự tiến hoá của loài người; những thửa ruộng bậc thang, thảo nguyên mênh mông làm đắm say lòng người. Nhưng yếu tố quan trọng tạo nên sự kỳ vĩ, độc đáo của mảnh đất này chính là những con người “sống trên đá, chết nằm trên đá”; quá trình định cư, lao động, sản xuất qua nhiều thế hệ đã dệt nên bản hùng ca bất diệt về cuộc sống trên vùng rẻo cao Hà Giang. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nét văn hoá truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc được lưu giữ, sự mộc mạc, thân thương, mến khách đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách, mỗi ai một lần đến sẽ bịn rịn không lỡ rời xa. Tiếng lành đồn xa, 9 tháng qua, Hà Giang đón trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Sức hấp dẫn của Hà Giang xuất phát từ chính mảnh đất và con người nơi đây; vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, địa bàn sinh sống của 19 dân tộc, đặc biệt có những dân tộc rất ít người như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Phù Lá… mỗi dân tộc sở hữu giá trị văn hóa độc đáo riêng, gắn với các phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống. Một số dân tộc thiểu số có chữ viết và tiếng nói riêng, các hình thức văn học dân gian truyền miệng, các loại hình nghệ thuật như múa, tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục, chế tác trang sức rất phong phú. Sự đa dạng về ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc nhà ở, nhạc cụ, công cụ sản xuất… tới sự khác biệt trong phong tục, tập quán, nghi thức tiến hành các hoạt động tâm linh, tôn giáo và các lễ hội đã tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng.

Hòa nhịp với dòng chảy cuộc sống mới, cộng đồng các dân tộc Hà Giang vẫn duy trì, bảo lưu cơ bản những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo thêm nhiều giá trị văn hóa mới phù hợp với môi trường sống. Những giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện trên các mặt văn hóa vật chất, quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần, coi kinh tế nông nghiệp, trồng trọt là nguồn sống chính. Đồng bào các dân tộc đã sáng tạo ra nhiều kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống, phù hợp với đặc điểm, địa hình từng vùng và trở thành bản sắc như nhà sàn, nhà trình tường… việc bố trí mặt bằng, không gian sinh hoạt từng cộng đồng mang dấu ấn phong tục, tập quán riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Điều đó đã hình thành nên giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Hà Giang, đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc nhau; đức tính thật thà, thân thiện, mến khách, bao dung, tự trọng; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn; có vốn tri thức dân gian phong phú và đức tính kiên cường, dũng cảm, yêu nước.

Nằm xen kẽ những thửa ruộng bậc thang là những nếp nhà sàn mọc rêu phủ xanh tạo nét độc đáo riêng có ở Xà Phìn

Nằm xen kẽ những thửa ruộng bậc thang là những nếp nhà sàn mọc rêu phủ xanh tạo nét độc đáo riêng có ở Xà Phìn.

Ảnh: Xuân Phúc

Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hoá con người Hà Giang, tỉnh ta luôn nhất quán thực hiện quan điểm: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Nhằm “gạn đục khơi trong”, xây đời sống mới, cùng với việc giữ gìn những nét văn hoá truyền thống, những gì là hồn cốt dân tộc, đồng bào vùng rẻo cao đang nỗ lực, quyết tâm loại bỏ hủ tục ra khỏi cuộc sống. Trong đó, Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xoá bỏ hủ tục thực sự là ngọn lửa dẫn đường, xoá tan “đêm trường hủ tục”; sau một thời gian triển khai, các địa phương đã thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh, như: Đám cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh, quy mô phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương; việc tang từng bước được tổ chức khoa học, tiến bộ, lược bỏ nhiều hủ tục và lễ nghi rườm rà, tốn kém, bảo đảm thuần phong mỹ tục và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ nhiều năm qua, tỉnh chỉ đạo ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm kê di sản văn hóa, đánh giá thực trạng các di tích, danh thắng đã được xếp hạng; đã nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng 5 di tích, danh thắng; 7 di sản văn hoá phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; đặc biệt, di sản văn hóa thực hành Then của người Tày, Nùng Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cùng với 10 tỉnh, thành khác. Đồng thời, tiến hành tu bổ, tôn tạo 3 di tích (2 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh); các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, 40 di sản văn hóa phi vật thể cũng được đầu tư phục dựng, bảo tồn, trong đó có một số lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một và được lưu giữ tại “Ngân hàng Văn hóa nghệ thuật Quốc gia”. Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phục dựng đã, đang được phát huy, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Những độc đáo về cảnh sắc thiên nhiên, phong tục, tập quán trong đời sống hàng ngày của cộng đồng các dân tộc Hà Giang đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch. Phát huy lợi thế này, tỉnh ta đã có nhiều quyết sách quan trọng, phù hợp nhằm bảo tồn, lưu giữ để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, từng bước xây dựng, phát triển văn hoá, con người Hà Giang hài hoà, bản sắc; để văn hóa, con người Hà Giang luôn “phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Nguồn: Báo Hà Giang

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons