Sợi chỉ đỏ “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” : Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11 năm 1946, để nhấn mạnh về vai trò của văn hoá trong xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Và để cụ thể về “Văn hoá”, năm 1940 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo đó và phát minh đó tức là văn hoá…”
Có thể thấy, văn hoá là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra trên nền tảng của thế giới tự nhiên, là mạch máu tinh thần của dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Văn hoá là sức mạnh giúp dân tộc ta, nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Để khẳng định vị trí, vai trò của văn hoá, trong bản “Đề cương văn hoá Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2 năm 1943 cũng đã nêu: “văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật…Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động; không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa; có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả…” . Có thể nói “Đề cương văn hoá Việt Nam” là văn kiện đầu tiên khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp cách mạng, với những vấn đề then chốt khẳng định văn hoá là một trong ba mặt trận: chính trị – kinh tế – văn hoá. Trong đó, xác định khái niệm văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật và những vấn đề cơ bản của đời sống tinh thần xã hội. Muốn làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất thiết phải làm cách mạng văn hoá. Sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tiếp nối tư tưởng, quan điểm “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, văn hoá Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời kỳ mới. Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 7 năm 1998) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã đưa ra những giải pháp về xây dựng các chính sách văn hoá, về định hướng phát triển văn hoá trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 21 tháng 11 năm 2021, trong bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ: nền văn hoá chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, văn hoá vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Trong đó, xác định phát triển văn hoá phải đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Cùng với chính trị và kinh tế, văn hoá có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước, dân tộc Việt Nam.
Vận dụng tư tưởng của Bác về “văn hoá soi đường cho quốc dân đi” trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá để phát triển du lịch ở Hà Giang:
Nhận thức đúng đắn, đầy đủ và bao quát “văn hoá soi đường cho quốc dân đi” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Hà Giang luôn đặt văn hoá làm nền móng, làm tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội trong đó có ngành du lịch.
Như chúng ta đã biết, Hà Giang là một trong những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (19 dân tộc), trong đó có một số dân tộc thiểu số chỉ có duy nhất ở Hà Giang như dân tộc Pu Péo, Cờ Lao. Và theo các nhà khảo cổ học cho biết, từ thời đồ đá cũ, Hà Giang đã là địa bàn sinh sống của các bộ tộc nguyên thuỷ. Nói đến di sản mà các dân tộc nơi đây đã tạo dựng nên trong quá trình thích ứng và chinh phục để tồn tại và mưu sinh, đáng chú ý nhất có thể kể đến là khu kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, phố cổ Đồng Văn, chùa Sùng Khánh…các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian, các loại nhạc cụ của một số dân tộc như: Mông, Dao, Lô Lô… Sự thích ứng của con người ở đây từ nhiều đời đã tạo nên sắc thái đặc trưng của các hoạt động mưu sinh, đặc biệt là các hình thức khai thác nông nghiệp thổ canh hốc đá. Có thể coi đây là kỳ tích của con người trong quá trình thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn. Hơn ở đâu hết, hình ảnh người phụ nữ Mông vừa địu con trên lưng, vừa xe sợi lanh trên đường lên nương đã thể hiện khát vọng và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây trong mưu sinh và sáng tạo. Trong bối cảnh không gian ấy, nhiều giá trị văn hóa đã được xác lập, có thể thấy rõ điều này qua loại hình kiến trúc nhà ở với nhà trình tường bằng đất, bờ rào đá, mái lợp ngói âm dương. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống của các dân tộc với những họa tiết hoa văn, màu sắc rực rỡ thể hiện quan niệm về nhân sinh quan của mỗi dân tộc. Các nhà nghệ thuật học, dân tộc học có thể tìm thấy ở đây các đặc trưng về nghệ thuật dân gian, các tri thức dân gian, tư duy thẩm mỹ và sự giao thoa văn hóa tộc người. Ngoài ra, ẩm thực các dân tộc nơi đây còn là kho tàng tri thức dân gian phong phú phản ánh mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh sống, là một trong những ngả đường quan trọng khi giới thiệu về văn hóa dân tộc.
Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhất là từ quá trình đổi mới, Hà Giang luôn coi chiến lược phát triển con người, phát triển văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển chung. Việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Nhận thực rõ được vai trò của con người và văn hoá, văn hoá và dân tộc, văn hoá – dân tộc và phát triển, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm chú trọng tới vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc sinh sống trong địa bàn tỉnh. Mặc dù là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội, nhưng những năm qua nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân tộc đã được triển khai thực hiện, làm tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, như: “Văn hoá truyền thống các dân tộc Hà Giang” (1994), “Văn hoá dân tộc Mông Hà Giang” (1999), “Văn hoá truyền thống người Dao ở Hà Giang” (1999), “Văn hoá thời tiền sử” (2000). Ngoài ra, ngày 10/4/2023 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND về thực hiện chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao truyền thống ngày càng được mở rộng; các thiết chế về văn hoá ngày càng được quan tâm đầu tư. Đến này, trên địa bàn toàn tỉnh có 164/193 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn và 1.715/2.071 thôn có nhà văn hoá cộng đồng; toàn tỉnh có 188 Hội nghệ nhân dân gian với hơn 9000 hội viên. Công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong các hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật và báo chí luôn được quan tâm sâu sắc. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể luôn được tỉnh quan tâm và triển khai có hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 446 di sản văn hoá phi vật thể và 131 di sản văn hoá vật thể. Các giá trị văn hoá truyền thống như: kiến trúc nhà, kiến trúc làng, trang phục truyền thống, hoạt động sản xuất, ẩm thực truyền thống, văn hoá văn nghệ dân gian, làng nghề…được quan tâm, bảo tồn và phát huy giá tạo thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong nước cũng như quốc tế tới tham quan, tìm hiểu .
Với những giá trị về văn hoá dân tộc, những giá trị về lịch sử và với đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2003 – 2010, định hướng đến 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến 2030 đều xác định văn hoá các dân tộc là tài nguyên du lịch nhân văn rất quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh Hà Giang phát triển. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2003 – 2010, định hướng 2020 đã chỉ rõ: “ Văn hóa các dân tộc Hà Giang là tài nguyên du lịch nhân văn rất quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch Hà Giang phát triển”. Trên cơ sở phân tích của giới chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra trong các quy hoạch về du lịch cũng như các đề tài nghiên cứu phát triển du lịch bền vững của tỉnh Hà Giang. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã cụ thể hoá bằng các Nghị quyết, Đề án, Kế hoạch như: Nghị quyết số 01 – NQ/TU về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2015 (đây là Nghị quyết đầu tiên của tỉnh về lĩnh vực du lịch. Tại nghị quyết này, ngành du lịch được xác định là một ngành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc); Chương trình số 62 – CTr/TU ngày 29 tháng 3 năm 2013 về phát triển văn hoá gắn với du lịch; Chương trình số 29 – Ctr/TU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08 – NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 ; Nghị quyết số 15 – NQ/ TU ngày 01 tháng 5 năm 2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Đề án tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống tỉnh Hà Giang; Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng…Qua đó tỉnh Hà Giang đã và đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo ba nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính đặc thù của từng địa phương gắn với không gian ba vùng của tỉnh, cụ thể: Sản phẩm du lịch tâm linh lịch sử, sinh thái nghỉ dưỡng gắn với vùng đồi núi thấp gồm Thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang và huyện Bắc Mê; Sản phẩm du lịch cộng đồng tìm hiểu văn hóa bản địa, sinh thái gắn với các huyện phía Tây gồm Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì; Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, địa chất, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với 04 huyện trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – Đây cũng là khu du lịch trọng tâm của tỉnh, đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia. Cùng với việc xác định không gian du lịch thì công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá cũng đã được tỉnh Hà Giang xem như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển du lịch của tỉnh.
Những thành quả đạt được của ngành du lịch tỉnh Hà Giang:
Văn hoá là một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với du lịch ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách. Chính vì vậy, trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang luôn linh hoạt và lấy “văn hoá làm gốc” để xây dựng, hình thành nên nhiều sản phẩm, điểm đến du lịch hấp dẫn. Một trong những sản phẩm thành công và được thị trường đón nhận phải kể tới đó là sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hoá.
Với chiến lược lấy văn hoá làm nền tảng, làm tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội trong đó có du lịch. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh các cấp, các ngành trên toàn tỉnh Hà Giang đã tích cực triển khai xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, coi đây là bước đột phá quan trọng để phát triển du lịch của địa phương, để nâng cao đời sống cho bà con vùng dân tộc thiểu số và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 làng được UBND tỉnh công nhận là làng văn hoá du lịch tiêu biểu, trong đó nhiều làng đã được thị trường khách du lịch trong và ngoài nước lựa chọn là điểm đến khi tới Hà Giang, như: thôn Hạ Thành, thôn Tha (thành phố Hà Giang); thôn Lũng Cẩm Trên, thôn Lao Xa, làng cổ Thiên Hương, thôn Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn); thôn Nậm Hồng (huyện Hoàng Su Phì); thôn Cóc Pảng (huyện Yên Minh)….Và đặc biệt, năm 2022 làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, huyện Quản Bạ đã vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, nhiều di sản, di tích văn hoá, lịch sử đã được trùng tu như: di tích lịch sử Căng Bắc Mê, khu di tích lịch sử Trọng Con, khu di tích kiến trúc nghệ thuần đồn Pháp, chùa Sùng Khánh…Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, tổ chức và khai thác đưa vào phục vụ khách du lịch như: Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày; lễ Bàn Vương, lễ Cấp Sắc của đồng bào dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông…Qua đó đã phát huy các giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, giao lưu hợp tác thông qua việc giới thiệu các giá trị văn hoá tới thị trường khách du lịch, các nhà nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế. Du lịch của tỉnh Hà Giang đã thực sự trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam, điều đó được minh chứng qua các số liệu phát triển ấn tượng theo từng năm, cũng như việc du lịch Hà Giang được nhiều đơn vị truyền thông, các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế bình trọn là điểm du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, được tổ chức du lịch thế giới đề cử là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á.
Với những thành tựu đã đạt được, chúng ta có thể khẳng định, thông qua việc phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hoá đã đem lại một diện mạo mới làm đổi thay đời sồng người dân Hà Giang một cách rõ rệt theo hướng tích cực, phát huy vai trò của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và đưa các giá trị văn hoá của dân tộc mình giới thiệu ra bên ngoài. Ngoài ra, thông qua du lịch, người dân đã được tham gia trực tiếp vào một số hoạt động dịch vụ như: lưu trú, nấu ăn, dẫn đường, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn một số nghề truyền thống, bán những sản phẩm lưu niệm: thổ cẩm, đồ mây tre đan, các đặc sản nông sản do tự mình sản xuất. Ngoài ra, thông qua hoạt động du lịch người dân bản địa có thêm cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài để lĩnh hội những kiến thức tiên tiến áp dụng vào lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch. Người dân đã hiểu ý nghĩa của việc phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế; ý thức bảo tồn văn hoá, bảo vệ tài nguyên du lịch đã được hình thành, góp phần tạo nên sự thành công trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của tỉnh, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết số 15 – NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 02/8/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025; Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông; Đề án tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống tỉnh Hà Giang; Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Với những kết quả đạt được, chúng ta có thể khẳng định, ngành du lịch tỉnh Hà Giang có được những kết quả như trên là nhờ vào tinh thần đoàn kết, linh hoạt, vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “văn hoá soi đường cho quốc dân đi” của Lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng như các cấp, các ngành và người dân tỉnh Hà Giang trong công cuộc xây dựng và phát triển du lịch. Trong lộ trình phát triển sắp tới, trước bối cảnh tình hình mới, sự giao thoa về văn hoá giữa các vùng miền, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày một lớn thì tư tưởng của Người sẽ mãi là kim chỉ nam, là ngọn đuốc sáng dẫn đường cho ngành du lịch Hà Giang vượt qua thách thức, khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để phát triển kinh tế – xã hội trong đó có lĩnh vực kinh tế du lịch, với phương trâm: văn hoá làm gốc để du lịch phát triển, du lịch là mục tiêu để bảo tồn các giá trị văn hoá./.
Tác giả: Vừ Thị Mai Hương –
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch – Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang