Xuân đã về trên khắp mọi miền quê hương. Nơi vùng Cao nguyên đá Hà Giang, mùa Xuân hiện lên trong sắc thắm của hoa Đào, sắc trắng tinh khôi của hoa Lê, hoa Mận và trong những bước chân rộn rã trẩy hội của các chàng trai, cô gái vùng cao.
Du khách tham quan, trải nghiệm trên dòng Nho Quế. Ảnh: CTV |
Mùa Xuân sang, núi rừng Hà Giang như được thay áo mới, sắc thắm của những loài hoa khiến nhiều người ví von mùa Xuân là mùa của miền đá nở hoa. Quả thật, thảm hoa Mận, hoa Đào, hoa cải nở rộ, khoe sắc khắp những mảnh vườn, bên những mái nhà trình tường cổ kính, trên vách đá tai mèo cheo leo và thấp thoáng trong những bản làng bình yên như lời mời gọi lữ khách dừng chân khám phá. Miền Cao nguyên đá khô cằn vẫn luôn mang trong mình sức sống nhiệm màu, nên những loài hoa đã vượt qua bao khắc nghiệt của thời tiết để mùa Xuân sang cả núi rừng như bừng sáng với sắc thắm của hoa Đào, hoa Mận, hoa Lê. Đó cũng là lúc Hà Giang đẹp nhất, rực rỡ nhất và làm say đắm lòng người nhất. Tô điểm thêm cho bức tranh Xuân của Hà Giang là tiếng cười giòn tan, ngây thơ của những em nhỏ đang nô đùa dưới hiên nhà; là váy áo thổ cẩm rực rỡ sắc màu của những thiếu nữ miền sơn cước; là tiếng khèn gọi bạn vang vọng khắp núi rừng…
Không chỉ thu hút bởi cảnh quan hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp, đến Hà Giang vào mùa Xuân du khách còn được hòa mình vào những lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Vừa đặt chân đến cửa ngõ phía Nam của tỉnh, du khách sẽ được trải nghiệm Lễ hội Lồng Tồng, một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh độc đáo và giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào dân tộc Tày ở các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên. Lễ hội thường được tổ chức theo quy mô thôn, bản hoặc xã. Mỗi mùa Xuân sang, trên khắp các bản làng của dân tộc Tày, người dân lại tưng bừng, rộn ràng đón chờ ngày hội. Vào những ngày sau Tết Nguyên đán, từ mùng 6 đến ngày rằm tháng Giêng, các thôn bản lại cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng gù và các loại bánh dày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc… dâng lên các vị thần linh, bày tỏ lòng thành kính.
Sau khi các nghệ nhân hoàn thành phần nghi lễ, những quả còn được tung lên hướng về tâm tròn của cây nêu, mang theo bao mong ước của người dân về một năm mới ấm no, hạnh phúc. Khi quả còn được tung trúng đích, báo điềm may mắn, dấu hiệu của một năm mùa màng bội thu thì thầy cúng sẽ cho dừng tung còn, công bố tên người ném trúng kèm theo phần thưởng, sau đó phát lộc cho nhân dân. Cùng với đó, tại một thửa ruộng, một người đại diện cấp ủy, chính quyền hoặc người có uy tín sẽ xuống đồng cày những đường cày đầu tiên của năm mới. Lúc này, trên sân cũng diễn ra các trò chơi dân gian như: Đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh yến… Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là lễ hội vui Xuân của dân tộc Tày mà còn hàm chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của con người về sự hòa hợp của đất, trời và mong ước một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Ngược lên các huyện vùng cao phía Bắc, nơi có phần đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, du khách sẽ được trải nghiệm Lễ hội Gầu Tào, lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông trên Cao nguyên đá. Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu Xuân. Chị Trần Hoài An, du khách đến từ thành phố Hải Phòng chia sẻ: Trong những ngày đầu năm mới, gia đình tôi đã cùng nhau du Xuân Hà Giang với nhiều trải nghiệm thú vị. Ấn tượng đầu tiên là những thảm hoa Lê, hoa Đào, hoa Mận khoe sắc rợp trời mang đến một vẻ đẹp rất dịu dàng, quyến rũ cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Chúng tôi cũng dành thời gian đi sâu vào các bản làng của người dân bản địa để tận hưởng hết không khí Xuân riêng có của nơi đây. Thú vị nhất với chúng tôi đó là được trực tiếp trải nghiệm không khí lễ hội đầu năm mang đậm bản sắc truyền thống của đồng bào, tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, đánh yến, ném pao… Đến với Hà Giang, gia đình tôi đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị về phong cảnh, văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Năm nay, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động lễ hội đầu Xuân được tổ chức náo nhiệt, rộn ràng. Các địa phương đã chủ động nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, đảm bảo cho du khách vui Xuân. Các lễ hội cũng được tổ chức theo đúng bản sắc văn hóa vốn có, không thương mại hóa hay thêm thắt các yếu tố hiện đại không phù hợp. Trong tháng 1.2023, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 216.000 lượt người; tính riêng dịp Tết Nguyên đán đạt 86.000 lượt người.
Cao nguyên đá những ngày Xuân mang trong mình vẻ đẹp bình dị và mộc mạc, nhưng không kém phần rực rỡ và căng tràn nhựa sống. Vẻ đẹp ấy cứ thế đi vào lòng du khách để những ai đã một lần đặt chân đến Hà Giang cứ mãi thổn thức trong lòng giai điệu âm vang của núi ngàn.
Nguồn: Báo Ha Giang