Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Hà Giang đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người từng bước được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa được quan tâm chú trọng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được đẩy mạnh và đạt được kết quả tích cực. Nguồn tài nguyên văn hóa được khai thác ngày càng hiệu quả, góp phần xác định thương hiệu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Lĩnh vực văn học – nghệ thuật được quan tâm thúc đẩy. Xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa số được chú trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, xét về tổng thể, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa chưa nhiều, các giá trị văn hóa về kiến trúc, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán tốt đẹp của một số dân tộc có nguy cơ mai một. Một số tập quán lạc hậu còn tồn tại trong các gia đình, dòng họ. Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm thấp nhất cả nước (0,65 điểm). Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ…
Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và các chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới, ngày 5 tháng 4 năm 2024 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2024 – 2030. Mục tiêu xác định là xây dựng và phát triển văn hóa, con người gắn với yêu cầu phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng miền, địa bàn dân cư. Đa dạng hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng con người có nhân cách và gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hà Giang; bảo đảm và tôn trọng các giá trị văn hóa của từng dân tộc; xây dựng và củng cố vành đai văn hóa biên cương. Phát triển đa dạng các loại hình văn học – nghệ thuật, phấn đấu có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Chủ động, tăng cường quảng bá, hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa. Một số chỉ tiêu cụ thể được xác định giai đoạn 2024 đến 2030 là nâng chỉ số phát triển con người Hà Giang (HDI) đạt mức trung bình so với cả nước (0,8 điểm); 100% các trường phổ thông dân tộc nội trú ở trung tâm các huyện có nhà đa năng và sân thế thao; bảo tồn tiếng nói và chữ viết của một số dân tộc thiểu sổ trên địa bàn tỉnh; 100% các địa bàn trọng điểm về du lịch xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy chế quản lý kiến trúc truyền thống; đề nghị UNESCO đưa Nghệ thuật Khèn của người Mông ở Hà Giang vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 100% công chức văn hóa – xã hội cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa; hàng năm, phấn đấu bố trí kinh phí cho văn hóa đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu
tạo ra các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa, con người Hà Giang. (Ảnh: ĐP).
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song việc xác định rõ vai trò, vị trí của phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn phát triển mới đã được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Đây là nhiệm vụ cần sự tập trung huy động sức mạnh tổng hợp, sự sáng tạo và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ đồng hành của các cấp bộ ngành Trung ương và sự hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện đã được xác định, trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người; tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng vả phát triển văn hóa, con người Hà Giang. Hai là, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện. Ba là, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng và hê thống chính trị. Bốn là, tăng cường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Sáu là, chủ động, tăng cường quảng bá, hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa.
Tin tưởng rằng với sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, văn hóa, con người Hà Giang sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, đưa Hà Giang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Nguyễn Hoài – PGĐ Sở VHTT&DL