Đưa văn hóa về cơ sở

Với đặc thù tỉnh miền núi biên giới, có 19 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống riêng biệt đã tạo cho Hà Giang trở thành địa phương đa sắc màu văn hóa. Nhằm nâng cao đời sống người dân, tỉnh chú trọng đưa văn hóa về cơ sở (ĐVHVCS) để xây dựng văn hóa, con người Hà Giang giàu bản sắc.

ĐVHVCS không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng mà còn có ý nghĩa xóa bỏ dần sự chênh lệch về mức sống, mức hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi, tạo sự công bằng xã hội, góp phần bài trừ các hủ tục. Từ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, việc thực hiện các chính sách phát triển KT – XH đã giúp tỉnh ta từng bước thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nhu cầu hưởng thụ văn hóa được nâng lên; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được đẩy mạnh.

Người Mông ở Mèo Vạc trình diễn thái cỏ nuôi bò.
Người Mông ở Mèo Vạc trình diễn thái cỏ nuôi bò.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Việc đánh giá sự tiến bộ của xã hội qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn không chỉ bằng thước đo về điều kiện vật chất mà còn ở khả năng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần. Do đó, hoạt động ĐVHVCS được ngành xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.336/2.071 làng, xóm, thôn, bản văn hóa (đạt 64,5%); 140.126/189.616 gia đình văn hóa (chiếm 72,68%).

Xác định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, Đảng ta có định hướng, chủ trương tiếp tục đưa các hoạt động văn hóa thông tin về vùng sâu, xa, vùng đồng bào các dân tộc; phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hóa; tiến tới hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa bằng nguồn lực nhà nước và mở rộng xã hội hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người. Có thể thấy rõ, văn hóa gắn liền với hoạt động của mỗi người, gia đình, cộng đồng. Bởi vậy, trong cuộc sống thường ngày hay nói tới văn hóa làng, văn hóa đô thị, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch, văn hóa giao tiếp, văn hóa đọc, văn hóa tâm linh…

Trên cơ sở đó, để góp phần xây dựng đời sống mới, dần loại bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư… tỉnh ta coi việc ĐVHVCS là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với những biện pháp cụ thể, phù hợp hoàn cảnh từng vùng, từng địa phương.

Tại huyện Mèo Vạc, dù người dân còn thiếu thốn nhưng đời sống văn hóa đã có nhiều đổi mới. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Huy Sắc chia sẻ: Nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp về xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”… đã đi vào cuộc sống. Huyện quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống thiết chế văn hóa, chính sách đầu tư cho văn hóa thông tin cơ sở gắn với xây dựng Nông thôn mới như xây dựng nhà văn hóa thôn, sân vận động; các phong trào được đông đảo quần chúng hưởng ứng, có sức hấp dẫn với mọi tầng lớp nhân dân.

Giữ gìn nghề dệt lanh truyền thống để phát triển du lịch giúp người dân Mèo Vạc nâng cao đời sống.
Giữ gìn nghề dệt lanh truyền thống để phát triển du lịch giúp người dân Mèo Vạc nâng cao đời sống.

Từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) được ban hành, phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp về văn hóa chuyển biến rõ rệt; nhiều công trình văn hóa, thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư xây dựng. Hiện nay 11/11 huyện, thành phố có Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch; 171/193 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, trong đó 48 nhà văn hóa đạt chuẩn Nông thôn mới; 1.756/2.071 thôn có nhà văn hóa; 11/11 huyện, thành phố có thư viện; 193/193 xã, phường có tủ sách pháp luật; 175/193 xã có bưu điện văn hóa xã.

Trước thực trạng đời sống nhân dân nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, một số tập quán lạc hậu còn tồn tại; một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thật sự quan tâm đến phong trào xây dựng đời sống văn hóa; công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh chưa thường xuyên, liên tục; kinh phí cho hoạt động ĐVHVCS còn thấp, huy động xã hội hóa đầu tư cho hoạt động văn hóa còn khó khăn… tỉnh ta triển khai ĐVHVCS gắn với tuyên truyền nhân dân thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa.

Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hoạt động ĐVHVCS được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quân dân, nâng cao mức hưởng thụ về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Do đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, nhất là các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị; chỉ thị, nghị quyết của BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.

Mặt khác, tổ chức các hội thi, hội diễn, lễ hội, giao lưu văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số; vận động nhân dân từng bước xóa bỏ luật tục không còn phù hợp đời sống hiện tại, gây lãng phí, tốn kém. Quảng bá, tôn vinh các di sản văn hóa, nhằm thực hiện hiệu quả phương châm “vừa xây vừa chống”. Chú trọng ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền; hướng hoạt động tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, xác định từng nhóm đối tượng để có nội dung và hình thức tuyên truyền hiệu quả. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu nói không với hủ tục, tập quán lạc hậu vào quy ước, hương ước và tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa. Phát huy vai trò các hội nghệ nhân dân gian, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu…

Nguồn: Báo Hà Giang

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.