ĐBP – Tỉnh ta được nhận xét có tiềm năng du lịch phong phú, vừa ghi dấu lịch sử oai hùng dân tộc, vừa có nét quyến rũ của vùng sơn cước với văn hóa đa sắc màu. Thế nhưng phần lớn khách du lịch thập phương vượt hàng trăm, nghìn cây số đến với Điện Biên chỉ sử dụng dịch vụ tham quan di tích lịch sử. Nhiều đoàn khách có nhu cầu vui chơi – khám phá – trải nghiệm nhưng cũng không biết đi đâu. Đó là do việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và tuyên truyền, quảng bá du lịch của tỉnh ta còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả.
Cán bộ, viên chức Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong khuôn khổ Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Ảnh tư liệu)
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch
Anh Đoàn Tiến Trường từ Hà Nội lên thăm Điện Biên vào tháng 3/2021, chia sẻ: Tôi đến Điện Biên lần đầu cách đây 4 năm. Khi đó chỉ đi tham quan di tích lịch sử trong trung tâm TP. Điện Biên Phủ và Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng. Năm nay có bạn lập gia đình trên này, rủ lên chơi, nên tôi quay lại Điện Biên, được bạn đưa đi khám phá nhiều hơn, như homestay hoặc vườn hoa, khu sinh thái. Nhờ đó có thêm nhiều trải nghiệm, kỷ niệm với Điện Biên. Nhưng các mô hình dịch vụ mới ấy ở Điện Biên chưa có điểm gì đặc biệt, ấn tượng và cũng chưa phát triển hoàn thiện, chuyên nghiệp.
Đó cũng là nhận xét chung của nhiều du khách khi đến Điện Biên và là nhiệm vụ đặt ra trong phát triển du lịch Điện Biên giai đoạn mới. Thực tế từ năm 2016 – 2020, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với lợi thế và tiềm năng du lịch. Tuy nhiên du lịch lịch sử vẫn chỉ tập trung phục vụ khách tham quan các Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ theo phương thức truyền thống, chưa có nhiều đổi mới, hấp dẫn; hình thức trải nghiệm, hóa thân làm người chiến sĩ Điện Biên đã khởi động nhưng chưa được biết đến rộng rãi. Trong du lịch văn hóa, tập trung vào khai thác bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên qua các sự kiện, lễ hội như kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ hội đua thuyền Đuôi Én, Lễ hội thành Bản Phủ. Đặc biệt xây dựng thành công Lễ hội Hoa ban trở thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của mảnh đất Điện Biên nhưng các bản làng đồng bào dân tộc, các hoạt động văn hóa ngay tại không gian cộng đồng tộc người thì vẫn chưa được biết đến nhiều. Du lịch sinh thái – khám phá bước đầu khởi sắc với mô hình tham quan hồ Pá Khoang, chinh phục cực Tây Tổ quốc A Pa Chải, tham quan các hang động… nhưng còn nhiều hạn chế. Du lịch tâm linh cũng khá được quan tâm, biết đến chủ yếu với các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia, di tích thành Bản Phủ và gần đây là hai điểm văn hóa tâm linh Linh Sơn và Linh Quang. Các loại hình du lịch đều đang có chuyển biến nhưng chưa thực sự ấn tượng, chưa có các dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản kèm theo để du khách dễ dàng tiếp cận, kết nối giữa các điểm đến.
Trong giai đoạn mới, Nghị quyết 03-NQ/TU nhấn mạnh phát triển sản phẩm du lịch là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó du lịch lịch sử, tâm linh tiếp tục là thế mạnh được quan tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát huy giá trị di tích gắn với khai thác, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử của du khách. Du lịch văn hóa, sinh thái gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc dân gian; thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP. Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái – khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn và mùa du lịch cao điểm hàng năm. Một loại hình tương đối mới đối với tỉnh ta được đưa ra là du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Trong điều kiện kinh tế – xã hội ngày càng được nâng lên, tỉnh ta hướng đến thu hút du khách bằng các dịch vụ du lịch có chất lượng cao, như: Chơi golf, đua thuyền, thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, ngắm cảnh, chụp ảnh tại các công viên chuyên đề, xem biểu diễn thực cảnh, tắm nước khoáng nóng và trị liệu… chinh phục ngã ba biên giới A Pa Chải, các chợ phiên vùng cao, biên giới, tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ khách du lịch.
Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh đã được chú trọng với hình thức quảng bá xúc tiến đa dạng, phong phú hơn, thông tin quảng bá đặc sắc, hấp dẫn. Nhờ vậy, thương hiệu du lịch Điện Biên từng bước được khẳng định. Khách du lịch dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, sản phẩm du lịch, kết nối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Điện Biên. Từ những kết quả đạt được, trong Nghị quyết số 03/-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới được ban hành, công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện để du lịch Điện Biên sớm “cất cánh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: Mỗi người dân Điện Biên cần phải nhận thức đầy đủ về du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Đồng thời, hiểu được tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh nhà để tích cực, chủ động tham gia giới thiệu, quảng bá du lịch. Phải làm sao để mỗi người dân Điện Biên là một hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ vậy, khi đã thay đổi được nhận thức, mỗi người sẽ tư duy cùng hành động để tạo nên phong trào phát triển du lịch rộng khắp trong toàn tỉnh.
Cùng với đó, là việc đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch. Những năm qua công tác này đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Cán bộ, viên chức ngành du lịch đã góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Điện Biên, đặc biệt là hình ảnh hoa Ban tới bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên để công tác này hiệu quả hơn, cần thường xuyên điều tra, nghiên cứu, đánh giá, dự báo thị trường khách du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường khách du lịch. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các điểm đến, tuyên truyền, giới thiệu, hình ảnh, vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị của hoa Ban – biểu trưng cho vẻ đẹp của vùng đất và con người Điện Biên. Đồng thời, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Điện Biên là điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách đến các thị trường trọng điểm trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Đẩy nhanh chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ thông tin) trong dịch vụ du lịch như: Số hóa các di sản, bảo tàng; vé điện tử tại các điểm tham quan; du lịch thông minh… sớm hình thành nền tảng kết nối chung của ngành Du lịch Điện Biên. Bên cạnh các kênh quảng bá truyền thống việc ứng dụng các kênh truyền thông có tính lan tỏa cao trên mạng xã hội như: facebook, youtube, zalo… đã và đang được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện nay, Điện Biên đã và đang tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đặc biệt là sự hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh miền núi trung du phía Bắc, các tỉnh Bắc Lào trong việc xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch và hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đây là những cơ hội rất tốt để du lịch Điện Biên có thể kết nối với các địa phương bạn, tạo mối liên kết chặt chẽ để cùng phát triển.
(còn tiếp Bài 3: Nhân lực là khâu then chốt)
Tác giả: Nguyễn Hiền – Diệp Chi