Tết Nào Pê Chầu của người Mông

Sống rải rác trên những rẻo núi cao, quanh năm sương mù bao phủ, điều kiện sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông ở Nậm Pọng, xã Mường Đăng (huyện Mường Ảng) còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần thì rất phong phú với nhiều lễ hội, mang đậm bản sắc dân tộc Mông. Tết Nào Pê Chầu là một trong những hoạt động tín ngưỡng lâu đời không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân nơi đây.

Nào Pê Chầu có nghĩa là: “Ăn tết ngày 30”, theo quan niệm của người Mông thì 30 tết là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới. Cũng giống như nhiều lễ hội khác, Tết Nào Pê Chầu gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Tết Nào Pê Chầu diễn ra mỗi năm một lần, thường vào tháng chạp, sớm hơn Tết Nguyên đán của người Việt từ 1 – 2 tháng tùy vào điều kiện thu hoạch mùa màng và việc chuẩn bị tết của từng năm; thời gian ăn tết từ 3 – 5 ngày.

Người dân bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng múa hát trong dịp tết Nào Pê Chầu. Ảnh: Bảo Khánh
Người dân bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng múa hát trong dịp tết Nào Pê Chầu. Ảnh: Bảo Khánh

Để chuẩn bị cho ngày tết diễn ra đầm ấm, vui tươi, từ ngày 25 tháng chạp trở đi (theo cách tính lịch của người Mông), người dân bắt đầu mổ những con lợn tạ để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm vừa qua. Mâm cỗ gồm: Một bát cơm, thịt luộc… gia chủ ngồi cạnh mâm cúng, một tay cầm thìa lấy cơm chan canh với một ít thịt và bắt đầu khấn mời tổ tiên về dự và nhận những lễ vật mà gia chủ dâng lên.

Cũng như nhiều dân tộc khác, chiều 30 tết, người Mông tiến hành dọn dẹp xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh phía ngoài hai bên đầu nhà, vừa làm vừa khấn mong muốn quét những điều xấu, rủi ro, bệnh tật đi theo năm cũ. Đồng thời, cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, trâu bò đầy nhà; con cháu khỏe mạnh và hạnh phúc vui tươi. Tiếp đến là lễ  “quét bồ hóng”, gia chủ lấy chỉ trắng hoặc đỏ buộc 3 ngọn cây tre nhỏ hoặc cành cây còn lá xanh vào nhau, tạo thành một cái chổi; gia chủ cầm chổi và hót rác tiến hành quét nhà, bắt đầu từ cột chính đến buồng ngủ của các thành viên trong gia đình, qua gian bếp, cửa phụ, ra gian bàn thờ xử ca, qua cửa chính rồi vứt rác ra vườn với mong muốn vứt bỏ những gì không tốt trong năm cũ. Sau lễ “quét bồ hóng”, gia chủ cắt các mảnh giấy dó hình răng cưa dán vào cửa, cột nhà, bếp, bồ thóc, chuồng lợn, gà… và các dụng cụ sản xuất đã được rửa sạch sẽ với ý niệm tất cả các vật dụng trong gia đình đều được nghỉ ngơi, vui tết.

Nghi thức quan trọng nhất trong Tết Nào Pê Chầu là lễ “Lập và thay bàn thờ xử ca”, theo quan niệm của người Mông đen, xử ca là ma có vị trí quan trọng trong hệ thống ma nhà của người Mông, đó là ma có nhiệm vụ cai quản của cải, tiền bạc, phù hộ độ trì cho gia đình làm ăn phát đạt. Nơi thờ xử ca được đặt ở tấm ván giữa tường phía sau, đối diện với cửa chính (cao từ 1,5 – 2m, dán một miếng giấy dó màu trắng, hình chữ nhật hoặc vuông; ở giữa dán giấy dó màu vàng hoặc bạc, một túm lông gà mềm chấm tiết gà rồi dính vào giữa tờ giấy xử ca thành hình tam giác hay chữ nhật, theo quan niệm của từng dòng họ). Xung quanh bàn thờ được trang trí giấy dó, phía dưới giấy dó dính lông gà là một chiếc ghế dài – nơi đặt bát hương và đồ lễ. Đồ lễ lập bàn thờ xử ca, gồm: Một con gà và các món ăn được nấu chín… ngoài ra, gia chủ còn mổ thêm đôi gà đem luộc chín để cúng mời tổ tiên về ăn tết và con cháu thụ hưởng trong ngày tết.

Tờ mờ sáng hôm sau, khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên, người Mông đen ở Nậm Pọng thức dậy và đi lấy nước đầu năm mới. Họ đi tập trung theo đoàn, mang theo thẻ hương, một tập giấy dó (tượng trưng tiền âm phủ) và xô đi về phía đầu nguồn nước. Đến nơi, gia chủ thắp hương và đốt tiền âm phủ khấn cầu xin tiền lộc và xin lấy nước về nấu bữa sáng đầu năm mới. Sau khi đưa nước về nhà, gia chủ sẽ cân lên so sánh với xô nước năm cũ, nếu tươi hơn nước năm cũ thì năm đó gia đình làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ cuối cùng của tết diễn ra vào ngày mùng 3, có nhà làm vào mùng 4 hoặc mùng 5 gọi là “lễ hạ mâm”. Đó cũng là lúc báo hiệu tết đã hết, mọi người lại cùng nhau bắt tay vào công việc lao động, sản xuất.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm với các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống dân tộc: Hát giao duyên, múa khèn truyền thống, ném pao, tù lu, bắn nỏ… thu hút người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia.

Tết Nào Pê Chầu là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông bản Nậm Pọng qua nhiều thế hệ. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Tết Nào Pê Chầu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trước nguy cơ bị mai một, để bảo tồn Tết Nào Pê Chầu rất cần sự chung tay của cả cộng đồng và xã hội, đặc biệt là việc “truyền lửa” cho thế hệ trẻ dân tộc Mông tiếp nối những truyền thống tốt đẹp trong kho tàng văn hóa đa sắc màu mà cha, ông để lại…

 Sầm Phúc

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.