(XTDL) – Được đánh giá là có nhiều tiềm năng và cũng đã liên tiếp được tập trung chỉ đạo trong các nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh từ Đại hội lần thứ XVI đến Đại hội XVIII, song đến nay ngành du lịch của tỉnh phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; khách du lịch và khách quốc tế chưa nhiều, lưu trú ít ngày; doanh thu từ du lịch thấp, chưa đóng góp được nhiều cho GDP của tỉnh; tính liên kết vùng, liên kết ngành còn nhiều bất cập; chất lượng dịch vụ thấp, sản phẩm du lịch nghèo nàn; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Do đó để du lịch thực sự trở thành khâu đột phá thành công trong thời gian tới đòi hỏi phải có một quy hoạch chuẩn về phát triển du lịch.
Trình diễn hát Xoan phục vụ du khách tại miếu Lãi Lèn
Thực tế tỉnh ta đã có bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng vẫn thiếu các quy hoạch chi tiết. Vấn đề hiện nay là từ nền tảng của bản quy hoạch chung ấy cần phải tiến hành lập các kế hoạch khu, điểm du lịch trọng điểm theo thứ tự ưu tiên. Đối với các khu du lịch được định hướng phát triển thành khu du lịch Quốc gia, khu du lịch địa phương thì cần lập quy hoạch theo trình tự tổng thể và từng khu chức năng, trong đó đặc biệt phải lưu ý việc xác định quy mô khu du lịch phù hợp với quy định của Luật Du lịch và thực tế yêu cầu phát triển. Trong thực hiện quy hoạch du lịch cần xác định rõ các địa điểm và loại hình du lịch cần phát triển như: Du lịch lịch sử – văn hóa; du lịch tâm linh; sinh thái; tham quan; thể thao; nghỉ dưỡng… làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư phù hợp. Trong kêu gọi đầu tư phát triển cần lựa chọn các chủ đầu tư đúng ngành, đúng chuyên môn, nhiều kinh nghiệm, có khả năng thực hiện phát triển các dự án theo quy hoạch.
Bên cạnh đó cần phải xây dựng các chính sách ưu đãi đặc thù về phát triển du lịch với những chính sách cụ thể về đền bù giải phóng mặt bằng, miễn giảm tiền thuê đất có thời hạn đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất. Đối với các doanh nghiệp hoạt động du lịch, nên có chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương làm việc cho doanh nghiệp; chính sách ưu đãi tín dụng và huy động vốn; hay chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Cùng với các chính sách đặc thù thì công tác quản lý du lịch cũng cần phải được rà soát, chấn chỉnh lại các hoạt động có ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Phú Thọ; ban hành các quy định, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, về tổ chức hoạt động kinh doanh, về an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh an toàn cho du khách, xây dựng hình ảnh thân thiện, cởi mở của chính quyền tỉnh và các cấp ngành.
Nguồn nước khoáng nóng quý giá được thiên nhiên ban tặng đã trở thành thế mạnh trong phát triển du lịch ở Thanh Thủy
Ông Đặng Đình Vượng – Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh và làm vườn tỉnh, thẳng thắn cho biết: “Tôi đi một số tỉnh ở Trung Quốc hoặc một số nước Tây Âu, hay Thái Lan thấy nhiều sản phẩm du lịch họ đưa ra rất văn minh, hấp dẫn, níu được chân du khách lưu trú lại. Cả ở những nơi tâm linh họ cũng tổ chức được các Show diễn đặc sắc nên ban đêm du khách có chỗ thưởng thức. Chúng ta nên khuyến khích đưa các làn điệu Xoan, Ghẹo, Chèo, Văn… biên tập theo các điển tích tạo ra các Show diễn để lưu chân khách.Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ, Tổng Giám đốc Công ty CPDL – DVTM Phú Thọ thì việc “làm mới hình ảnh” chính là cách để các nhà đầu tư thấy được quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Sơn cũng đề xuất: Có thể dùng Slogan: “Đất Tổ – Trở về và phát triển” làm điểm nhấn cho các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, hoặc “Đất Tổ – Cội nguồn của dân tộc Việt Nam” đối với các nhà đầu tư nước ngoài để họ hiểu muốn tìm hiểu văn hóa, con người, lịch sử… Việt Nam thì phải đến Phú Thọ. Truyền tải được các thông điệp đó thì việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư sẽ thành công.
Tuy nhiên hạn chế tồn tại lớn nhất của du lịch Phú Thọ hiện nay chính là vấn đề sản phẩm du lịch nghèo nàn, đơn điệu, thiếu hấp dẫn nên không thu hút được du khách. Vì thế phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù đang trở thành nhiệm vụ cấp bách không chỉ của riêng ngành du lịch mà của toàn tỉnh bao gồm các cấp chính quyền địa phương và cả các ngành. Rất nhiều giải pháp đã được “hiến kế” nhằm củng cố, bổ sung và nâng cao hơn chất lượng các sản phẩm du lịch địa phương.
Trên thực tế tỉnh ta đã có hàng loạt các sản phẩm đặc sản như: Bưởi Đoan Hùng; hồng không hạt Gia Thanh; nếp gà gáy; gà nhiều cựa; cá đặc sản và cá giống mới cho giá trị kinh tế cao cùng rất nhiều làng nghề truyền thống đã được cấp giấy chứng nhận: Rau Tân Đức; chè Địch Quả; quần áo thổ cẩm Kim Thượng; bún bánh Hùng Lô; nón lá Gia Thanh; mộc Vân Du; sinh vật cảnh Hùng Long… sẽ góp phần làm phong phú các sản phẩm phục vụ du lịch, song phải nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; khuyến khích việc đa dạng hóa và đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu của mọi đối tượng.
Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, phát triển làng nghề nông thôn với trình độ tiên tiến. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Để xây dựng và định vị thương hiệu quà tặng lưu niệm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ nên có chính sách khuyến khích cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư các sản phẩm đặc thù theo hướng đa dạng mẫu mã, chủng loại; tổ chức hội thảo, hội thi tìm phát kiến xây dựng sản phẩm lưu niệm; sáng tạo các sản phẩm đặc trưng tại các điểm đến…
Nguồn: Kim Thư – baophutho.vn