Để có những sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương

(XTDL) – Sản phẩm du lịch là một vấn đề mang tính thời sự của ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay. Từ ý kiến của cộng đồng cho tới nhận định của các chuyên gia, những nhà nghiên cứu đều cho thấy vấn đề mấu chốt của sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng đó là sự đơn điệu, nghèo nàn, đặc biệt là thiếu tính đặc trưng, đặc thù, thiếu hàm lượng văn hóa.

2017_5_19_8_16_19_636307785798453969_images1365645_IMG_7086

Nhóm nghiên cứu đề tài giới thiệu các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương

Trong bức tranh chung ấy, sản phẩm du lịch của Phú Thọ vẫn chưa có được lợi thế cạnh tranh mang tính chuyên nghiệp, đó là sự phân biệt hóa sản phẩm hay nói cách khác là tính đặc thù của sản phẩm. Bởi vậy, việc tạo ra những sản phẩm quà tặng lưu niệm, kỷ vật mang dấu ấn và bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ đang là vấn đề được các cấp, các ngành và nhất là những người làm du lịch quan tâm, trăn trở.

Là mảnh đất cội nguồn dân tộc, Phú Thọ có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa cùng những lễ hội, phong tục tập quán độc đáo. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn có 2 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan.

Để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng nhằm quảng bá, khắc sâu hình ảnh văn hóa vùng Đất Tổ trong lòng du khách, xuất phát từ nhu cầu thực tế, từ năm 2015-2017, Trường Đại học Hùng Vương đã tiến hành triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”.

Nhóm nghiên cứu đã phân loại, hệ thống và thiết kế 10 biểu tượng mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương và sản xuất thử nghiệm được 15 sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương. Mỗi biểu tượng hoa văn được thể hiện như một câu chuyện về miền Đất Tổ thiêng liêng giàu truyền thống. Điển hình như biểu tượng bánh chưng, bánh giầy là vật phẩm sáng tạo của Lang Liêu dâng vua cha với triết lý âm dương về trời đất và mang thông điệp về trí tuệ, tài năng và lòng hiếu thảo; bộ lễ vật cầu hôn độc đáo bao gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao biểu tượng cho ước mơ, khát vọng chiến thắng và thành công; biểu tượng trầu cau mang khát vọng lứa đôi hạnh phúc…

Trên cơ sở thiết kế 10 biểu tượng trên, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm được các nhóm sản phẩm lưu niệm gồm: Bộ cốc sứ, đĩa trang trí sứ in hình voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao; Hát Xoan; bộ bình gốm cao cấp in hình biểu tượng Vua Hùng dạy dân cấy lúa, đi săn, núi Nghĩa Lĩnh, Đền Hùng; bộ đồ trang sức chất liệu vàng, bạc thiết kế hình trầu cau, chim hạc; bộ truyện tranh khai thác đề tài truyền thuyết Hùng Vương và truyện tranh dân gian Đất Tổ chọn lọc tái hiện sinh động, giàu ý nghĩa các câu chuyện lịch sử, nguồn cội dân tộc Việt Nam; trang phục áo lụa, khăn lụa vẽ hình họa tiết trống đồng Đông Sơn.

Để có được kết quả, nhóm nghiên cứu đề tài phải chuẩn bị kỹ từ việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn đến việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm khóa luận, điều tra, khảo sát về các sản phẩm lưu niệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Từ đó sản xuất các mặt hàng lưu niệm mang tính đặc trưng văn hóa Hùng Vương giúp du khách mỗi khi sử dụng sản phẩm sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất cội nguồn.

TS Hà Thị Lịch – Phó trưởng phòng Phòng Khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Thiết kế biểu tượng từ các văn hóa truyền thống và biểu tượng hóa các chi tiết, hình ảnh từ truyền thuyết Hùng Vương là việc làm không hề dễ dàng. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, sáng tạo, nhất là việc hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm cụ thể.

Điển hình như trong việc sản xuất thử nghiệm bình gốm có hoa văn biểu tượng mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương, chúng tôi phải liên hệ, kết nối nhiều lần mới được một cơ sở là sứ mỹ nghệ ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy nhận sản xuất thử nghiệm. Các sản phẩm đều phải được vẽ bằng tay mất nhiều thời gian, công sức và chỉ nghệ nhân có tay nghề mới thực hiện được. Việc nung và cho ra lò các sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quan trọng phải dày công và chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, bằng sự say mê, sáng tạo và sự nhiệt tình, chúng tôi đã thuyết phục, nhận được sự hợp tác, đồng cảm của cơ sở sản xuất và các nghệ nhân trong việc biến các ý tưởng thành hiện thực”.

Để thăm dò phản hồi đối với các sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã tổ chức gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm tại Lễ hội Đền Hùng năm 2016, 2017. Qua đó đề tài đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các nhà nghiên cứu và nghệ nhân. Các sản phẩm nhỏ, gọn, giá cả hợp lý, có tính thẩm mỹ, giàu đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ nên được du khách ưa chuộng.

Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương là 1 trong 30 sản phẩm xuất sắc được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn trưng bày, vinh danh và được đánh giá cao trong triển lãm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” tại thành phố Đà Nẵng. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của nhóm nghiên cứu thiết kế Trường Đại học Hùng Vương trong việc tạo ra những sản phẩm quà tặng lưu niệm, kỷ vật mang dấu ấn và bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.

Có thể nói, việc khai thác hệ thống biểu tượng hoa văn từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian cho tới hệ thống tư liệu di sản lịch sử, khảo cổ học để tìm ra giải pháp đặc trưng hóa cho các sản phẩm du lịch và phục vụ phát triển du lịch là hướng đi hợp lý, hiệu quả.

Nguồn: Ánh Dương – baophutho.vn

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.