Quần thể di tích lịch sử Đền Rối và Chùa Minh Pháp

Quần thể di tích Đền Rối và Chùa Minh Pháp được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, tọa lạc tại thôn Trấn Ninh II –  xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Cũng giống như các ngôi đền và chùa trên địa bàn, khu quần thể di tích đền Rối và Chùa Minh Pháp vẫn giữ được các di vật cổ: Hoành phi, câu đối, bát nhang, cửa võng… mang giá trị văn hóa lịch sử và ý nghĩa tâm linh.

Có tên gọi là đền Rối bởi xưa kia đền tọa lạc tại khu Trĩ Rối thuộc Thôn Vân An – xã Hào Gia – trang Bách Lẫm – huyện Trấn Yên, phủ Quy hóa ở thượng du Bắc bộ được thành lập từ năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng (thôn Vân An xưa nay là xã Tân Thịnh). Đây cũng là vùng đất mầu mỡ, lâm thổ sản phong phú, là nơi thuận lợi giao thương buôn bán với nhiều miền. Cư dân nông nghiệp quần tụ ở đất này, hiền hòa đoàn kết, sơn trang yên ấm, mỹ tục thuần hậu.

Đền Rối do các vị tiền nhân có công khai phá vùng đất này lập nên. Ban đầu đền được làm bằng gỗ, theo kiểu nhà sàn mái lợp lá cọ. Đền Rối có tên mĩ tự là “Vân Phú Từ” hàm ý, đây là nơi có mây lành che chở. Về sau, Vân Phú Từ còn được quen gọi với tên nôm là Đền Rối gắn với địa danh khu Trĩ Rối xưa.

Đền Rối tọa lạc dưới chân một quả đồi hình bát úp rợp bóng cổ thụ, đền Rối thờ Ngọc Dung công chúa là con gái thứ 8 của vua Hùng thứ 17, đã có công bảo vệ đất nước, che chở dân lành nên được ban sắc phong là Sơn Thủy Linh Thần. Là sự hội tụ hiển linh của lưỡng mẫu: Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải (Có nghĩa là mẹ rừng và mẹ nước) theo quan niệm truyền thống thờ Tam phủ Thánh Mẫu của dân tộc. Đây cũng là nét độc đáo trong nghi thức thờ phụng của đền.

Đền Rối có kết cấu theo lối chữ “Nhất” với một gian đại bái và một gian hậu cung, ngoài cùng là sân đền. Trong gian đại bái của đền còn giữ nguyên trạng phần kiến trúc mỹ thuật cổ triều Nguyễn với những đường nét trạm trổ tinh xảo trên xà nóc, đầu bẩy và các bộ cửa võng theo đề tài: Lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn, hổ phù, đề tài tứ linh, hoa, điểu…. Di tích đền Rối được các triều vua phong kiến nhà Nguyễn ban cho hai đạo sắc là sắc phong vào triều vua Duy Tân ngũ niên (1911) và sắc phong của triều vua Khải Định cửu niên (1924).

Hàng năm, Lễ hội Đền Rối thường được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng. Cùng với nghi thức cúng tế Sơn Thuỷ Thần Linh trong những ngày đầu xuân, tại đền còn tổ chức hội hát Văn và chơi trò gặm cỏ nghé trâu. Ngày nay, cùng với các ngày lễ chính trong năm, Đền Rối thường xuyên mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm bái và thăm quan. Đền Rối được UBND tỉnh Yên Bái xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2005.

Rời đền Rối ngược lên đỉnh đồi không xa, bên những tán đa cổ thụ bốn mùa tỏa bóng xanh mát là chùa Rối, tên chữ là Minh Pháp tự, nhập vào lẽ vô chấp của đạo pháp du khách sẽ cảm được phút giây thanh tịnh, cái vô lượng, sâu xa, bác ái của đạo pháp thiền tâm.

Theo lịch sử Chùa Rối cũng được dựng lên đồng thời với di tích Đền Rối Ban đầu chùa cũng được dựng bằng tranh tre, nứa lá, nhỏ hẹp đơn sơ, theo hướng Tây nam và cũng được quen gọi theo địa danh là Chùa Rối. Trải qua bao biến cố thăng trầm, chiến tranh phá hoại chùa xưa xuống cấp, sập hỏng. Trên nền đất cũ, người dân nơi đây cùng với phát tâm của khách thập phương đã khởi dựng lại ba gian tiền đường và hậu cung với tường xây, mái ngói dưới gốc đa cổ thụ.

Năm 2010 với tâm nguyện đóng góp của nhân dân địa phương cũng như phật tử xa gần và sự nhất trí của các cấp chính quyền, Chùa Rối được khởi công xây dựng mới, bề thế khang trang hơn với diện tích 43.000m2. Ngày 30 tháng 12 năm 2010, Chùa Rối chính thức có tên pháp tự là Chùa Minh Pháp. Sau hai năm thi công, ngày mùng 8 tháng hai năm Tân Mão, ngôi chùa mới mô phỏng kiến trúc cổ – theo lối chữ đinh, gồm hai tầng tám mái với bảy gian tiền đường và bốn gian hậu cung đã được khánh thành trong niềm hân hoan của phật tử và người dân địa phương.

Năm 2017, tòa Nhà thờ Tổ được hoàn thành phía sau hậu cung Tam bảo với kiến trúc truyền thống đã và đang được trùng tu tôn tạo như: Tòa Bảo tháp; Tượng phật toạ sơn; Bàn cờ tiên; Cô nhi viện… cùng hệ thống khuôn viên vườn chùa đã góp phần làm cho cảnh quan quần thể Di tích lịch sử văn hoá Đền Rối và Chùa Minh Pháp thêm sinh động hơn, tạo điểm nhấn quan trọng trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh của du khách thập phương.

Đền Rối – Chùa Minh Pháp –  ngôi đền thiêng và chùa linh hiển đã tạo nên một quần thể di tích lịch sử liên hoàn hiếm có. Là nơi hội tụ của những giá trị lịch sử, văn hoá và địa linh phát tích sẽ là điểm đến vừa mang ý nghĩa tâm linh hướng thiện, vừa hàm chứa ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, thu hút đông đảo tăng ni phật tử và du khách thập phương tham quan, chiêm bái.

Bùi Kiểm – TTQLDTPTDL

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.