Giáo dục truyền thống dân tộc qua hoạt động du lịch về nguồn

t12-4mau01-1554476156


Học sinh Trường THCS Văn Lang thăm quan tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.


PTĐT – Vận dụng sáng tạo mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh qua các tour du lịch trải nghiệm. 

Nhằm giáo dục cho các em học sinh lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào với truyền thống cách mạng của cha ông trên chính quê hương của mình; trang bị thêm cho các em kiến thức, tầm hiểu biết về thế giới xung quanh, về nguồn cội cũng như nét đặc trưng của vùng Đất Tổ, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã cho ra mắt 3 chương trình du lịch “Học sinh trải nghiệm sáng tạo” gồm: “Thực hành tín ngưỡng – giáo dục di sản” trải nghiệm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng – Miếu Lãi Lèn – Làng cổ Hùng Lô; “Giáo dục truyền thống – kỹ năng sống” trải nghiệm tại Đền Lăng Sương – Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh;  “Khám phá rừng Quốc gia và trải nghiệm du lịch cộng đồng” trải nghiệm tại vườn Quốc gia Xuân Sơn – Đồi chè trung du – Cơ sở sản xuất địa phương (huyện Thanh Sơn và Tân Sơn). 

Với các hoạt động hướng về cội nguồn, báo công dâng hương tổ chức ở  địa điểm di tích lịch sử, những nội dung chương trình phong phú đã cho các em học sinh nhiều trải nghiệm thú vị hấp dẫn để hiểu thêm về với cội nguồn dân tộc; bồi đắp thêm cho các em lòng tự hào về dòng giống tiên rồng đang chảy trong huyết mạch của mỗi người dân Việt Nam. Cô giáo Nguyễn Thị  Hoa – Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang cho rằng: “Việc tổ chức các tour, tuyến du lịch trải nghiệm thực tế như trên là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương để từ đó biết trân trọng những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn ở thế hệ trẻ. Giáo dục truyền thống và định hướng lý tưởng cho học sinh ở những khu di tích lịch sử, để từ đó, mỗi học sinh tự hào và am hiểu về lịch sử địa phương, có ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử của quê hương mình”.

Sau khi theo chân các cô giáo kính cẩn thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng, em Phạm Thị Vân Huyền, học sinh lớp 6C – Trường THCS  Văn Lang cho biết: “Dù đã được nghe, được xem qua sách báo, tivi nhưng mỗi lần có dịp nghe các cô thuyết minh kể về cội nguồn lịch sử, chúng em đều không khỏi bồi hồi, xúc động. Được đến di tích lịch sử ngay tại quê mình, chúng em cảm thấy rất tự hào và có thêm ý chí quyết tâm học tập tốt”.

t12-4mau02-1554476171




Các em nhỏ trình diễn Hát Xoan tại các trại văn hóa trong dịp Lễ hội Đền Hùng để quảng bá di sản Hát Xoan đến với du khách.  Ảnh: Khánh Nguyên

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo dục truyền thống cùng những đạo lý về đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn… là vô cùng quan trọng trong nội dung giáo dục của các nhà trường để hình thành nên phẩm chất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Làm sao để sau khi ra trường mỗi học sinh đều phải có lý tưởng đẹp, có tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào tự tôn dân tộc, phát triển về trí tuệ và thể chất, kỹ năng sống tốt, năng động, sáng tạo, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Hiện nay, có nhiều trường tiểu học, THCS, THPT đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua bảo tàng; đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ – Hiệu trưởng Trường tiểu học Tiên Du, huyện Phù Ninh cho biết: “Việc làm này cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi cách giáo dục này không biến nội dung giáo dục truyền thống thành một môn học nặng về lý thuyết, giáo điều, khô cứng. Nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng và vì thế sẽ hấp dẫn được học trò. Và đặc biệt sẽ phù hợp với tâm lý lứa tuổi, xua tan áp lực học tập, phát huy tiềm năng học sinh. Muốn giáo dục một cách hiệu quả, bản thân mỗi giáo viên cần phải có ý thức đổi mới phương pháp giáo dục, để đưa những nội dung giáo dục truyền thống vào bài học tạo sân chơi, hoạt động nhóm một cách nhẹ nhàng, sáng tạo”.

Bằng những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, trong những năm qua, hoạt động du lịch về nguồn đã trở thành một phong trào mang tính giáo dục cao đối với học sinh. Thông qua hoạt động này, mỗi học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước mang trong mình niềm tự hào trước cha anh, có ý chí vươn lên để học tập và xây dựng quê hương giàu đẹp.

 (Theo: Hạnh Thúy – http://baophutho.vn)

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.