Lễ hội khai hạ ở Mường Bi

Khai hạ, lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường Bi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lễ hội thể hiện ước mơ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khai hạ, lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa – tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường Bi, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Lễ hội thể hiện ước mơ mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội khai hạ khởi đầu cho năm mới với hai phần lễ và hội. Theo quy định của Lang Mường Bi, sau nghi lễ này người dân mới được vào rừng lấy măng, củi, săn bắn… nên còn được gọi là lễ xuống đồng và mở cửa rừng.

Đối tượng thờ cúng trong lễ hội là thành hoàng Quốc Mẫu Hoàng Bà, Đức Thánh Tản – người đứng đầu trong Tứ Bất Tử và các vị thần Ai Lý, Ai Lo – những người đã có công đào mương Lò.

Một tiết mục văn nghệ trong lễ hội Khai hạ.
Một tiết mục văn nghệ trong lễ hội Khai hạ.

Theo truyền thuyết dân gian vùng Mường Bi thì Quốc Mẫu Hoàng Bà chính là thân mẫu của Thánh Tản. Hoàng Bà vi hành từ núi Tản, sông Đà đến vùng Mường Bi thăm dân gian được nhân dân vùng Mường Bi đón tiếp tử tế, chu đáo. Cảm kích trước tấm lòng ấy, bà đã chỉ dạy cho người dân nơi này cách làm ruộng hai vụ, chăm sóc lúa tốt bời bời, dạy bảo dân làng các ăn ở… Sau đó, bà ra bờ suối xóm Lồ bay về trời.

Cũng theo truyền thuyết, Tản Viên Sơn Thánh là con rể cùng Hùng Vương thứ 18 đã cùng hai em họ là Cao Sơn Đại Vương và Qúy Minh Đại Vương hợp sức thiên hạ giúp vua Hùng chống giặc ngoại xâm. Sau chiến thắng vua ban thưởng công lao cho Tản Viên Sơn Thánh là Nhạc Phủ kiêm Thượng Đẳng Thần; Cao Sơn Đại Vương là Tả Kiên Thần; Qúy Minh Đại Vương là Hữu Kiên Thần.

Sau màn lễ, đồng bào tham dự các trò chơi dân gian. Ảnh: Tư liệu
Sau màn lễ, đồng bào tham dự các trò chơi dân gian. Ảnh: Tư liệu

Theo sự tích, ở vùng Ba Vì (Sơn Tây), vùng sông Tích Giang và các vùng Mường cổ đều thờ Thánh Tản Viên (người Mường Hòa Bình gọi là Thánh Đản). Các triều đại phong kiến Việt Nam phong mỹ đều gọi là “Thượng Đẳng Thần”. Cũng như đồng bào Mường ở các vùng khác, đồng bào Mường ở vùng Mường Bi (Tân Lạc) đã thờ vong hồn Quốc Mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Thông thường, xã được chọn đăng cai sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị một con trâu tơ dành vào việc tế thần và sẽ được xả thịt để tiếp đãi toàn bộ những người dân trong vùng đến dự hội.

Đồ tế gồm có thịt trâu, xôi trắng và đặc biệt là một con hoẵng săn được trong thời gian chuẩn bị lễ hội (đôi khi được thay bằng bò). Thầy tế xướng lên những lời văn khấn cổ, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhân dân an thái.

Tiếp theo là lễ rước kiệu Thánh từ đền ra bãi hội và rước trở về đền. Đám rước được tổ chức long trọng với cờ quạt, đồ nghi trượng cùng các vị cao niên, các vị thầy tế và toàn thể người dân trong vùng.

Một đặc điểm độc đáo của lễ hội Khai hạ Mường Bi là tục tu sửa mương Lò. Đây là con mương đảm nhiệm việc tưới tiêu cho toàn vùng, có vai trò hết sức quan trọng với nền nông nghiệp. Theo quy định, mỗi gia đình trong vùng đều cử một người tham gia vào công việc chung như: nạo vét lòng mương, lưu thông dòng chảy.

Trong tiếng chiêng rộn rã, thúc giục của các giáp, mỗi người đều hăng say làm việc cho tới khi con mương được tu sửa xong. Mọi người nghỉ tay, cùng dùng cơm và thịt tế được chia, say sưa với men rượu cần, chuẩn bị cho phần hội.

Phần hội với những trò chơi dân gian (bắn nỏ, kéo co, đánh cù, đánh mảng…), văn nghệ dân gian (thi xắc bùa, hát đối…) và ẩm thực dân tộc độc đáo.

Trên bãi đất rộng, các chàng trai, cô gái và thậm chí là trẻ em cùng vào tham gia thi bắn nỏ. Những cánh nỏ giương căng bật dây tanh tách, những mũi tên lao vun vút, những tràng pháo tay vang lên rộn rã và tiếng cồng báo hiệu thắng cuộc như tái hiện lại tinh thần thượng võ, bảo vệ quê hương của miền đất này.

Bên kia bãi là hội thi ném còn và hát trao duyên khởi đầu cho những tình yêu đôi lứa. Phía xa là hội đánh cù sôi động với những con quay to bằng quả bưởi non… Trong giai điệu xắc bùa ngân nga, các cuộc thi và trò chơi dân gian được diễn ra rất sôi động.

Thông qua nghi lễ này, người dân bày tỏ lòng kính trọng tới các vị thần, cầu một năm mưa thuận gióa hoà, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quê hương giàu đẹp. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu thắt chặt tình đoàn kết, tinh thần cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.

Hoà Bình có 36 lễ hội văn hoá dân gian nhưng hiện chỉ còn một nửa số đó được tổ chức trong đó có lễ hội Khai Hạ Mường Bi.

Không gian tổ chức lễ hội chủ yếu là tại đình chùa tuy nhiên toàn tỉnh chỉ còn không quá đến 20 ngôi lại trong tình trạng xuống cấp, nhiều ngôi chỉ còn lại nền móng cũ. Vì vậy, những lễ hội diễn ra ở đền, miếu, phủ của làng đang mất dần.

Bên cạnh đó, nghệ nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lễ hội nay đều đã cao tuổi, sức yếu, vấn đề đào tạo lớp kế cận về cách cúng tế, hát xướng hay biểu diễn nghệ thuật dân gian lại chưa được coi trọng.

Nhiều bài văn tế được truyền khẩu từ đời này sang đời khác đang dần mai một, thậm chí vay mượn từ nơi khác. Thời gian diễn ra lễ hội chủ yếu dành cho phần hội, còn phần lễ rất ít. Trước kia, lễ vật dâng cúng luôn tải chứa một nội dung tín ngưỡng rõ ràng gắn liền với nhân vật phụng thờ. Nhưng do mai một, nên ý nghĩa sâu xa của vật dâng cúng cũng không còn được nhiều người biết đến

Hoà Bình cũng đã đưa ra một số giải pháp để hoạt động lễ hội văn hoá dân gian đi vào nề nếp và thực sự là sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh là: kiểm tra, giám sát ngăn chặn hành vi vi phạm quy chế tổ chức lễ hội; xoá bỏ việc tổ chức phô trương, ganh đua giữa các làng xóm gây lãng phí; tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy lại những vấn đề liên quan đến lễ hội; khuyến khích tổ chức trò chơi dân gian cho mọi lứa tuổi…

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.