NGHI LỄ CÚNG MỪNG CƠM MỚI (KIN KHẢU HÓ, KHẢU HÁNG) DÂN TỘC LÀO TỈNH ĐIỆN BIÊN

Trong cuộc sống hàng ngày họ cũng có nhiều nghi thức nghi lễ liên quan đến chu kỳ đời người, trong đó có lễ mừng cơm mới được diễn ra vào cuối tháng 9 dương lịch hàng năm .

Tỉnh Điện Biên gồm 19 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó có dân tộc Lào sinh sống tập trung ở 23 bản thuộc 09 xã của 02 huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông,với tổng dân số là 5014 người (theo số liệu kiểm kê văn hóa dân tộc Lào của Bảo tàng tỉnh Điện Biên năm 2015). Trong cuộc sống hàng ngày họ cũng có nhiều nghi thức nghi lễ liên quan đến cho kỳ đời người, trong đó có lễ mừng cơm mới được diễn ra vào cuối tháng 9 dương lịch hàng năm (giữa tháng 8 âm lịch) tiết trời se lạnh báo hiệu vụ lúa mùa đã chín, những mảnh ruộng lúa đầu tiên được thu hoạch là thời điểm lễ mừng cơm mới đã đến, họ quan niệm rằng lễ mừng cơm mới là nghi lễ quan trọng nhất trong năm, trong mâm lễ không thể thiếu cơm xôi vụ mới, tất cả những món ngon do con cháu kiếm được trong quá trình lao động sản xuất đều được bày vào mâm lễ thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, các vị thần đã phù hộ cho con cháu làm nương, ruộng thu hoạch được thóc ngô về đầy nhà, con cháu được khỏe mạnh, chăn nuôi được phát triển…ngày diễn ra lễ, thường mỗi gia đình sẽ làm 03 mâm lễ chính gồm:

 – Mâm cúng tổ tiên được đặt ở gian cúng ma nhà (phi hướn), lễ vật gồm:
+ Gà: 01 con được chế biến chín, thịt gà được chặt ra cho vào chiếc chậu đặt lên mâm cúng (theo quan niệm của dân tộc Lào, gà là loài linh vật biết thông báo về thời gian, có bản năng báo hiệu các mối nguy hiểm, là loài vật nuôi có giá trị kinh tế , dinh dưỡng cao…).
+ Vịt: 01 con được chế biến chín, chặt ra cho vào cùng chậu đựng thịt gà đặt lên mâm cúng (họ quan niệm rằng vịt là con vật tượng trưng cho chiếc đò đưa đón tổ tiên qua con sông danh giới giữa cõi âm và cõi dương (nặm ta khái) về ăn lễ cơm mới cùng con cháu).
+ Nến: 01 cây
+ Cơm mới: Xôi, xôi cốm, cơm lam…
+ Rượu: 02 chén
+ Đũa: 02 đôi đối với trường hợp chủ nhà đã không còn cả bố cả mẹ, 01 đôi trường hợp còn bố hoặc mẹ.
+ Các loại hoa quả, trái cây như: Mía, dưa, bưởi, chuối…

+ Tất cả các loại côn trùng, thịt thú dừng săn bắt được trong quá trình lên nương rẫy đem về sấy khô hoặc rang khô, mỗi thứ một ít cho vào mâm cúng lễ mừng cơm mới.
Khi mâm cúng đã được chuẩn bị đầy đủ, đại diện hộ gia đình đặt mâm cúng tại gian thờ cúng tổ tiên, chủ gia đình tiến hành làm lễ mời tổ tiên về ăn lễ mừng cơm mới cùng con cháu, lời cúng như:
Lời khấn trong mâm lễ
Ơ…tổ tiên ơi, một năm có một lần, mùa lúa chín mới con cháu không ăn trước,hôm nay ngày lành tháng tốt, con cháu làm lễ mừng cơm mới, có xôi, xôi cốm, có mâm lễ mời tổ tiên, có con gà béo tốt về thịt, gà chọn con to, con béo để mổ, sơ chế và chế biến chín bày lên mâm lễ, cá thấy mùi tanh đến ăn, ăn xong bơi lại nước, chỗ thịt ngon đem về nhà chế biến, người ở nhà đặt nồi lên bếp luộc gà, nhặt củi to cho vào bếp, củi tre để làm đóm, người giỏi chế biến trổ tài nghệ, lửa bếp cho cháy đều, để thức ăn mau chín, gà chín rồi gắp ra khỏi nồi, bày vào mâm lễ, gà to nhiều thịt bày vào mâm, mâm được lót bằng lá chuối, cạnh mâm đặt bát cơm, bát canh, đặt gà luộc vào mâm lễ, có quả chuối, mía ngọt đặt vào trong mâm, quả bầu, bí, các loại hoa quả ngon đặt vào trong mâm, thịt trâu, bò cũng bày vào mâm lễ, sắp mâm lễ vào nơi thờ cúng, bát đũa đã được sắp xếp đầy đủ, nghe thấy lời mời, tổ tiên về nhận lễ nhé, dủ nhau đến ngồi trên chiếu quanh mâm lễ, ngồi thành hàng thành lối cho gọn, người ngồi xa dịch sát vào, người ngồi sát dãn ra một chút, mời tổ tiên dùng lễ nhé, tay trái nắm xôi cốm, tay phải dùng đũa gắp thức ăn, gắp ít lần nhưng được nhiều thức ăn nhé, mời ăn cho ngon miệng, ăn thịt gà cho đủ, ăn cơm xôi, cơm mới cho no nhé, thịt gà ăn cho hết nhé, ăn cả đùi, cả cánh, ăn cả đầu cả chân gà nhé, gà tốt con cháu nuôi, biết cảnh báo cho đàn các mối nguy hiểm, mời tổ tiên ăn hoa quả ngon được bày trên mâm, chỗ nào con cháu chưa mời đến thì tự tìm gắp ăn nhé, ăn xong đặt đũa cho gọn, ăn xong rồi mời tổ tiên tự về nhà tổ tiên nhé, con cháu không mời về ăn thì đừng tự ý quay lại nhé, từ nay trở đi phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt nhé.

– Mâm cúng tạ ơn trời đất (kháo chảu nặm chảu đin), đồ lễ được đặt trong một chiếc rổ được lót bằng lá chuối gồm:
+ Nến: 01 cây
+ Rượu: 01 chai
+ Đũa: 01 đôi
+ Các loại trái cây: Dưa, chuối, cam, ổi…
+ Mía: 02-03 đốt mía
+ 02 bát con đựng đồ lễ gồm: 01 bát đựng đồ lễ kiếm được trong rừng như con rơi, con bọ chàm, con dế mèn đã được chế biến chín, bát còn lại đựng các loại thức ăn do gia đình chăn nuôi ra như thịt gà, thịt vịt đã được chế biến chín, mỗi bát đặt 02-03 nắm xôi vụ mới lên trên.
Sau khi cúng khấn mời tổ tiên về ăn lễ mừng cơm mới xong, chủ nhà tiếp tục  bưng mâm lễ khác để cúng trời đất đặt trước cửa trên sàn nhà và có lời khấn mời như:
Lời khấn trong mâm lễ
Ơ…thần trời thần đất, một năm có một lần
                   Mùa lúa chín mới con cháu không ăn trước
                   Hôm nay ngày lành tháng tốt
                   Con cháu làm lễ mừng cơm mới, có xôi, xôi cốm
                   Có mâm lễ mời các vị thần
                   Có con gà béo tốt về thịt
                   Có hoa quả ngon bày vào trong mâm
Ăn xong rồi mời các vị thần về chỗ ở của mình nhé
                   Con cháu không mời về ăn thì đừng tự ý quay lại nhé
                   Từ nay trở đi phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt nhé.
– Mâm cúng thần bếp (kháo mỏ nửng, chi pháy), đồ lễ gồm:
+ Nến: 01 cây
+ Rượu: 01 chai
+ Đũa: 01 đôi
+ Các loại trái cây: Dưa, chuối, cam, ổi…
+ Mía: 02-03 đốt mía
+ 02 bát con đựng đồ lễ gồm: 01 bát đựng đồ lễ kiếm được trong rừng như con rơi, con bọ chàm, con dế mèn đã được chế biến chín, bát còn lại đựng các loại thức ăn là thịt của các con vật nuôi như thịt gà, thịt vịt đã được chế biến chín, mỗi bát có để thêm 02-03 nắm xôi vụ mới đặt lên trên.
Đồ lễ trong mâm cúng thần bếp cũng giống mâm cúng tạ ơn trời đất, sau khi cúng tạ ơn trời đất xong, chủ nhà tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng ở bếp, lời cúng đại ý như:

Lời khấn trong mâm lễ
Ơ…thần trời thần đất, một năm có một lần
                   Mùa lúa chín mới con cháu không ăn trước
                   Hôm nay ngày lành tháng tốt
                   Con cháu làm lễ mừng cơm mới, có xôi, xôi cốm
                   Có mâm lễ mời các vị thần
                   Có con gà béo tốt về thịt
                   Có hoa quả ngon bày vào trong mâm
Ăn xong rồi mời các vị thần về chỗ ở của mình nhé
                   Con cháu không mời về ăn thì đừng tự ý quay lại nhé
                   Từ nay trở đi phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt nhé.
Khi chủ nhà khấn xong mâm lễ được để lại nơi thờ cúng khoảng 20 phút, sau đó gia chủ xin dọn mâm lễ, cảm ơn tổ tiên và các vị thần đã về ăn cơm mới và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, năm sau thu hoạch được bội thu, trâu bò chăn nuôi phát triển tốt..

Lời cúng trong các mâm lễ mừng cơm mới của dân tộc Lào tỉnh Điện Biên gần giống nhau, chỉ khác ở tên của các vị thần được mời theo tín ngưỡng của họ, các mâm cúng đã được thu dọn, mọi người trong gia đình cùng nhau bày mâm cỗ tiệc chuẩn bị đón tiếp khách mời gần xa dự lễ mừng cơm mới cùng gia đình, lễ được diễn ra cả ngày, gia đình nào cũng chuẩn bị đồ lễ cẩn thận, chu đáo để ăn mừng cơm mới. Khi chén rượu chúc mừng lễ cơm mới được nâng lên, mọi người cùng chúc gia đình chủ nhà mạnh khỏe, năm mới được mùa màng bội thu, chén rượu mừng đã ngà ngà say, những vị khách xin phép chủ nhà để đi chúc các gia đình khác ở bản trên xóm dưới, lễ mừng cơm mới được diễn ra vui vẻ, đầm ấm được gọi là “tết mừng cơm mới”  và trở thành ngày lễ tết chính của dân tộc Lào tỉnh Điện Biên.

Tác giả : Văn Hoàng 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.